Thời gian gần đây, có một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh và xuất hiện khá nhiều cây xăng treo biển ngừng bán hàng vì hết xăng dầu (chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông…).
Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân chính là do từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng.
Cùng với đó, một số thương nhân đầu mối hoặc phân phối xăng dầu giảm mạnh chiết khấu để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ (có nhiều trường hợp đại lý bán lẻ xăng dầu phải phải nhập hàng với chiết khấu 0 đồng, tức là nhập xăng dầu với giá bằng giá điều hành do Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố), dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị thua lỗ...
Để khắc phục tình trạng đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở).
Hai chi phí này sẽ được đưa vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu từ kỳ điều hành giá ngày 11/10/2022. Việc điều chỉnh này là để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế, giúp các doanh nghiệp đầu mối tăng mức chiết khấu và để cả hệ thống kinh doanh xăng dầu (từ thương nhân đầu mối tới cây xăng bán lẻ) có thể tự bù đắp được chi phí, có lãi hợp lý theo định hướng của Chính phủ.
Tuy nhiên, để góp phần giải quyết tốt hơn nữa vấn đề này, đề nghị Liên Bộ Công Thương – Tài chính xem xét và sớm đệ trình Chính phủ sửa đổi một điểm rất bất hợp lý trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu được quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Đó là, khoản 28 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP có đoạn quy định: “Giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế” (tức là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày công bố giá cơ sở).
Quy định này bất hợp lý là vì: Khoản 23 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định “thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng hai mươi (20) ngày cung ứng…”.
Như vậy, có thể nói một cách hình tượng cụ thể là thương nhân bán lít xăng dầu ngày hôm nay nhưng thực chất là đã mua từ trước đó khoảng 20 ngày. Do đó, giá vốn hình thành lên giá bán lít xăng dầu ngày hôm nay phải tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới hình thành từ 20 ngày trước.
Nhưng Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định tính giá bình quân các sản phẩm xăng dầu của khoảng 10 ngày sát gần ngày công bố giá cơ sở là chưa tính được chính xác giá vốn xăng dầu thực tế của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Diễn biến giá xăng RON95 bình quân giao dịch thực tế hàng ngày, giá trung bình trượt giữa kỳ điều hành trước với kỳ này (trung bình trượt khoảng 10 ngày) và giá trung bình trượt 20 ngày trước kỳ điều hành tại cảng Singapore từ ngày 01/04/2022-30/09/2022. Đơn vị tính: USD/thùng. Nguồn: Tập hợp, tính toán từ dữ liệu của Platt’s Singapore. |
Từ biểu đồ trên cho thấy hai vấn đề nổi bật như sau: Khi giá xăng hàng ngày có xu hướng tăng thì đường biểu diễn giá trung bình trượt 10 ngày thường ở phía trên của đường biểu diễn giá trung bình trượt 20 ngày (điều này có nghĩa là giá cơ sở xăng dầu ở Việt Nam tính từ giá thế giới trung bình trượt 10 ngày sẽ cao tính từ trung bình trượt 20 ngày, tức là nếu tính giá cơ sở xăng dầu từ giá thế giới trung bình trượt 10 ngày thì thương nhân kinh doanh xăng dầu sẽ có lợi nhuận cao hơn).
Ngược lại, khi giá xăng hàng ngày có xu hướng giảm thì cách tính giá cơ sở xăng dầu từ giá thế giới trung bình trượt 10 ngày sẽ khiến cho thương nhân kinh doanh xăng dầu dễ bị lỗ vốn hơn.
Thực tế giai đoạn từ cuối tháng 6 - 9/2022 vừa qua, khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm khá mạnh thì cách tính do Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định làm cho giá cơ sở giảm rất nhanh qua mỗi lần điều chỉnh giá, giá vốn thực của thương nhân đầu mối thường cao hơn giá cơ sở ở mức rất đáng kể và họ phải tìm cách để giảm lỗ cho doanh nghiệp mình bằng những biện pháp như: giảm mạnh chiết khấu khi giao xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ; hạn chế giao xăng dầu ở những địa điểm xa, hẻo lánh, cần chi phí lưu thông cao… Phản ứng này đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng có khá nhiều cây xăng dừng bán hàng như nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin.
Phương thức điều hành giá xăng dầu bằng cách tính giá cơ sở xăng dầu từ giá thế giới trung bình trượt của giai đoạn trước đó sẽ có tác dụng bình ổn giá rất mạnh (cụ thể: khi giá xăng hàng ngày có xu hướng tăng thì đường biểu diễn giá trung bình trượt thường ở phía dưới của đường biểu diễn giá xăng hàng ngày; và ngược lại). Hơn nữa, số ngày tính trung bình trượt càng dài thì tác dụng bình ổn giá càng lớn…
Do đó, kiến nghị trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP nên sửa là quy định giá cơ sở được tính từ “giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá của 20 ngày trước kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế”.
Theo Phạm Minh Thụy - Trưởng phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường, Viện Kinh tế - Tài chính
VnEconomy