Fica
  1. Thời sự

Hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

Bài lấy lại
Bài lấy lại

“Nếu chừng nào Việt Nam vẫn hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải là thể chế vượt trội”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đó là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại hội thảo “Công bố báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết 02 năm 2019 và nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ, góc nhìn từ doanh nghiệp”, diễn ra sáng nay (17/12) tại Hà Nội.

Tại buổi công bố báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết 02 và nghị quyết 35, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã chỉ ra  những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp qua các khảo sát của VCCI về việc thực hiện các nhiệm vụ của Bộ ngành, địa phương.

Hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình - 1

Theo đó, có 2 xu hướng chính hiện nay. Thứ nhất, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những cải thiện theo thời gian. Các chỉ số đánh giá của thế giới cũng như kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp Việt Nam và nhận định của nhiều chuyên gia đều cho thấy chung kết quả này.

Thứ hai, theo ông Anh Tuấn, cải cách đang diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua.

Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức.

Trong một báo cáo mới đây của Doing Business, từ năm 2009 - 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là 2016 và 2018, với 5 cải cách mỗi năm.

Từ kết quả đó, năng lực cạnh tranh quốc gia thì môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018.

Thế nhưng, 2 năm trở lại đây đều ghi nhận mức giảm chỉ còn 3 cải cách vào năm 2019 và 2 vào năm 2020.

Hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình - 2

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Theo Chủ tịch VCCI, kết quả này vẫn chỉ ở mức thường. Nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất. “Chúng ta vẫn cách xa nước xếp vị trí thứ 4 là Thái Lan và xếp dưới cả Brunei”, ông Lộc thông tin thêm. 

Do đó, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, chừng nào chúng ta vẫn hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể nào thoát bẫy thu nhập trung bình.

“Muốn vào top 4 ASEAN  thì phải vượt được 42 bậc nữa, để đẩy Thái Lan ra, như cách mà đội bóng đá đã làm được. Tuy nhiên, đó vẫn là hành trình gian nan”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoài Nam, Phó tổng thư ký hiệp hội VASEP cũng đánh giá rất tích cực về tổng thể bản báo cáo của VCCI. Tuy nhiên, theo ông Nam, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm mà bản báo cáo chưa thể đi sâu.

Đáng chú ý trong đó, ông Nam cho rằng, vẫn còn nhiều sự nể nang nhau trong cách làm việc của các Cục, Vụ. Điều đó khiến cho các ý kiến, các đề xuất hoặc thậm chí các vấn đề nhức nhối mà doanh nghiệp kiến nghị không được giải quyết.

“Sự sôi động của việc làm theo nghị quyết là có, nhưng dường như, các kiến nghị của doanh nghiệp từ đầu năm, hay thậm chí là năm trước thì cuối năm vẫn còn nguyên đó”, ông Nam nêu ý kiến.

Theo báo cáo của VCCI, hơn 40% doanh nghiệp cho biết vẫn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Năm 2018 vẫn có 58,2% các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính.

 Thế Hưng