Fica
  1. Thời sự

Dừng thanh toán đất dự án BT: Xử lý “khoảng trống pháp lý” như thế nào?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Liên quan đến yêu cầu tạm dừng dùng đất thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng Chính phủ cần sớm khắc phục tình trạng một chính sách mới ra đời gây “ách tắc” thị trường.

Địa phương gặp khó

Thực tế, ngoài việc doanh nghiệp có thể thiệt hại lớn khi bị chậm trễ thanh toán đất thì bản thân các địa phương cũng lúng túng trong việc xử lý hợp đồng đã ký. Nhất là, nhiều địa phương có nhu cầu rất lớn trong huy động vốn để đầu tư hạ tầng và huy động vốn qua hợp đồng BT gần như là một trong những phương án khả thi.

Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, theo kế hoạch đầu tư công, cho đến nay, thành phố chỉ được phân bổ vốn trung hạn là 134.000 tỷ đồng, vốn huy động đã thông qua là 171.000 tỷ đồng. Con số này chưa đủ để thực hiện. Trong khi đó, triển khai dự án theo hình thức BT chính là một trong những kênh quan trọng để huy động vốn.

“Bài toán khó nhất là làm sao thực hiện đấu giá, đổi đất, chuyển đất phù hợp”, ông Sử Ngọc Anh nói và kiến nghị Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn nội dung này.

Tương tự với thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Doãn Toản cũng đặt câu hỏi về việc lãi suất phát sinh của các dự án bị chậm thanh toán sẽ được trang trải như thế nào?

“Việc dừng thanh toán đất cho dự án BT khiến thành phố gặp khó khăn. Nguyên nhân bởi nếu dừng thanh toán ngày nào thì chủ đầu tư sẽ tính lãi dự án ngày đó, còn nếu thanh toán ngang giá ngay thì sẽ giảm được lãi suất phát sinh tại các dự án. Đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn nội dung này”, ông Toản nêu vướng mắc.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam, nhìn nhận việc kéo dài ban hành quy định mới liên quan đến việc sử dụng đất công thanh toán cho dự án BT sẽ đội chi phí rất lớn, thậm chí tăng thêm 40 - 50%. Khi đó, vốn ngân sách cũng bị thiệt hại và nền kinh tế cũng ảnh hưởng.

“Tôi cho rằng Bộ Tài chính không nên kéo dài việc dừng thanh toán cho dự án BT mà quan trọng hơn là phải tính đến hiệu quả tổng thể. Có thể cần sự điều chỉnh để hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư song song với việc vẫn thực hiện quy định hiện hành”, TS Hùng chia sẻ thêm.

Hầu hết các địa phương và giới chuyên gia cho cần đưa ra những giải pháp để phương thức đầu tư này được thực hiện đúng mục đích. Đó là lập quy trình rõ ràng, công khai trách nhiệm, đấu thầu rộng rãi, có cơ chế giám sát, định giá, rà soát được quỹ đất… Nhiều địa phương cũng nhận định trước đây, có thể có “lấn cấn” khi triển khai xã hội hóa với các dự án hạ tầng, nhưng hiện nay, quy định đã chặt chẽ hơn rất nhiều.

"Không làm ảnh hưởng đến các dự án BT đã ký"

Giải thích lý do Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT vẫn chưa ban hành, tại buổi họp báo mới đây, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho hay việc xây dựng dự thảo rất khó do liên quan đến nhiều nội dung, bao gồm đầu tư, xây dựng, đất đai, xác định giá trị quyền sử dụng đất sao cho phù hợp thị trường để tránh thất thoát.

Với các khoảng trống pháp lý, trong thời gian chờ nghị định, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo giải pháp xử lý để không làm ảnh hưởng đến các dự án BT đã ký. Do đó, ngày 24/9 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nhóm giải pháp để xử lý khoảng trống pháp lý. Theo đó, đối với những dự án BT ký trước ngày 1/1/2018 thì sẽ được dùng tài sản công để thanh toán theo quy định của pháp luật áp dụng cho từng thời kỳ.

Bình luận về việc dừng thanh toán đất cho dự án BT, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nói: “Chỉ thị của Bộ Tài chính có mục đích tốt, đó là nhằm chấn chỉnh các hợp đồng BT có thể bị lợi dụng để kiếm chác trong việc định giá. Thực tế, do việc xác định giá trị đất đai không rõ ràng nên đã xảy ra nhiều tiêu cực. Nhưng, một chính sách mới không nên làm ách tắc thị trường đang vận hành”.

Góp ý cách khắc phục, ông Liêm cho rằng có thể bổ sung quy định cụ thể về việc dự án thực hiện được bao nhiêu phần trăm thì sẽ được thanh toán, dự án nào chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được phần nhỏ thì tạm dừng. “Chủ đầu tư đã điều động máy móc, công nhân, triển khai dự án dở chừng mà bị ách lại thì hậu quả không thể kể hết. Chính sách phải tính đến điều này”, ông Liêm nói thêm.

TS Phạm Sỹ Liêm cũng đồng tình với phương án Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép dùng tài sản công để thanh toán cho dự án BT ký kết trước ngày 1/1/2018. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ nếu chưa thể cho ra đời nghị định hướng dẫn Luật Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì cũng nên sớm phê duyệt phương án lấp khoảng trống pháp lý trước mắt do Bộ Tài chính trình.

TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cũng cho rằng, cơ quan làm luật cần thúc đẩy nhanh tiến độ để quy định liên quan ra đời sớm nhất. Không thể trì hoãn bằng bất cứ lý do nào vì điều đó cũng góp phần làm thiệt hại cho doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung.

Phương Dung