Fica
  1. Thời sự

“Dư luận lên đến tận Bộ Chính trị là chúng tôi có biết làm gì, có việc để làm không!”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh phản ánh, việc kiện toàn bộ máy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được chuyển về cơ quan này. “Vấn đề nhân sự tạo ra dư luận lên đến Chính phủ, thậm chí đến Trung ương Đảng, đến Bộ Chính trị là không biết UB Quản lý có biết làm gì, có việc gì để làm không trong khi thực sự công việc của chúng tôi rất bề bộn”.

Phát biểu tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 16/10, Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh than khó về việc tổ chức lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được chuyển về cơ quan này quản lý.

Trước hết, ông Hoàng Anh phân tích, các tập đoàn, tổng công ty lâu nay chưa quan tâm công tác quy hoạch cán bộ nên khi triển khai kiện toàn bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp là vướng, UB Quản lý vốn phải làm lại từ đầu.

“Việc đó làm cho nhiều vụ việc cụ thể, UB Quản lý vốn nhà nước như là “câu giờ” trong việc bổ nhiệm cán bộ. Nhiều vụ việc đã phải lên đến Phó Thủ tướng, Thủ tướng giải quyết, chúng tôi cũng bị kêu, cũng mang tiếng” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh giải trình.

“Dư luận lên đến tận Bộ Chính trị là chúng tôi có biết làm gì, có việc để làm không!” - 1

Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh: "Không cẩn thận thì vài năm nữa sẽ lặp lại cảnh như hiện nay nhà nước đang phải xử lý ở cả loạt những vụ án lớn vừa qua".

Cũng về vấn đề nhân sự của các DNNN, ông Nguyễn Hoàng Anh chỉ nghịch lý, dù về nguyên tắc quy định, DNNN thậm chí có quyền đi thuê Tổng Giám đốc nhưng thực tế, việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, điều hành tại các tập đoàn, tổng công ty vẫn bị ràng buộc bởi nhiều quy định về cán bộ công chức, tối thiểu cũng đòi hỏi đó phải là Đảng viên, là cán bộ được quy hoạch… Vậy nên, thực tế, việc bổ nhiệm một Tổng Giám đốc tập đoàn, tổng công ty cụ thể rất khó khăn, nếu không tháo gỡ được các nút thắt thì còn tiếp tục vướng mắc.  

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, việc chuyển tiếp công tác cho cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp tại UB Quản lý vốn nhà nước cũng phức tạp, kéo dài. Thực tế, UB được “duyệt biên chế” 150 người nhưng nhưng tuyển dụng đến nay với được 82 người vì không có cơ chế điều động từ các cơ quan, bộ ngành khác sang.

Ông Hoàng Anh ta thán: “Vấn đề nhân sự tạo ra dư luận lên đến Chính phủ, thậm chí đến Trung ương Đảng, đến Bộ Chính trị là không biết UB Quản lý có biết làm gì, có việc gì để làm không trong khi thực sự công việc của chúng tôi rất bề bộn”.

Vài năm nữa dễ lặp lại cảnh như những vụ án lớn vừa qua

Về cơ chế quản lý, Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước cũng nêu vấn đề, các dự án của tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, song đang có sự hiểu khác nhau giữa luật chung và luật chuyên ngành. Hiện có luồng dư luận là “UB Quản lý vốn đang làm khó” các bộ trong việc triển khai dự án, song, ông Hoàng Anh thanh minh, vấn đề chính là phải thực hiện theo luật.

Không ít trường hợp các tập đoàn, tổng công ty trình UB xin cơ chế đặc thù. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, đây chính là vấn đề tồn tại xảy ra trước đây, vì làm theo mệnh lệnh hành chính dẫn đến nhiều “chuyện xấu” với DNNN.

Ông Hoàng Anh quả quyết: “Để đảm bảo vốn thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Toàn dự án lớn mà đòi quyết định trong một sớm, một chiều, đâu có được, nhất là với những vấn đề chưa phù hợp với quy định của pháp luật”.

Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước cảnh báo, không cẩn thận  thì vài năm nữa sẽ lặp lại cảnh như hiện nay nhà nước đang phải xử lý ở cả loạt những vụ án lớn vừa qua.

Dẫn chứng việc xử lý 12 dự án thua lỗ, “đắp chiếu”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhận định, sự thua lỗ, tồn tại yếu kém, mất vốn nhà nước đã rõ. Lúc này, cần phải tiếp cận theo hướng là đã mất vốn thì giờ phải làm sao thu hồi vốn được nhanh nhất. Nếu không quan điểm như vậy thì sẽ rất khó thực hiện.

Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước phân tích, hiện tại, nhiều dự án đã đầu tư cả nghìn tỷ rồi, mà thua lỗ thì không bao giờ thu lại tất cả vốn bỏ ra được. Phải chấp nhận điều đó, vì đã làm doanh nghiệp, làm kinh tế thị trường thì phải xử lý bằng vấn đề kinh tế chứ không thể áp đặt hành chính.

Ngay cả những dự án hiện đã hoạt động rất hiệu quả như dự án Đạm Ninh Bình, Hà Bắc nhưng theo ông Hoàng Anh, vẫn không thể gánh được chi phí tổn thất từ trước do làm sai. Lãnh đạo UB Quản lý vốn nhà nước đặt vấn đề, như thế thì có nên làm tiếp không?

“Dự án thua lỗ rồi, nhà nước mất nhiều năm xử lý và mất 50% vốn rồi, 50% vốn còn lại thì không chỉ 5 năm nữa đâu, mà chỉ 1-2 năm nữa là sẽ hết sạch nếu không xử lý nhanh. Quan điểm của UB Quản lý vốn nhà nước là năm 2020 phải xử lý dứt khoát xong, nếu không thì phải tính toán thoái vốn, bán sạch” – ông Hoành Anh nói.

Phương Thảo