Những container chuối Tây Nguyên đầu tiên xuất ngoại
Những ngày đầu năm 2023, Công ty CP Banana Brothers Farm (BBF, trụ sở ở huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) đón tin vui khi có đơn hàng đầu tiên tới Trung Quốc với khối lượng 200 tấn chuối.
Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Tổng Giám đốc BBF, công ty bắt đầu trồng gần 150ha giống chuối già Nam Mỹ vào năm 2020 bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao, vườn trồng được thiết kế theo ô bàn cờ nhằm thuận tiện cho việc canh tác và thu hoạch. Để sản phẩm chuối già Nam Mỹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch đều tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, sản xuất tuần hoàn.
Hiện, sản phẩm chuối của Công ty BBF đi vào khai thác ổn định với sản lượng bình quân 65 tấn/ha/năm. Trong năm 2022, công ty xuất khẩu chuối sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản với sản lượng trên 6.500 tấn.
Cũng theo bà Hạnh, dự kiến những năm tiếp theo, BBF sẽ mở rộng thêm khoảng 300ha trồng chuối, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk - cho biết, theo định hướng phát triển, Đắk Lắk xác định rõ các vùng sản phẩm chủ lực. Tỉnh cũng ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như đào tạo tập huấn, chứng nhận sản phẩm, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng để cùng doanh nghiệp vươn lên trong các ngành hàng chủ lực.
Doanh nghiệp chủ động tìm nguồn hàng, thị trường
Bà Lầu Kiều Vân - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Công ty XNK Nghiệp Xuân, Đắk Nông) - cho biết đã chủ động tìm đơn hàng đầu năm. Doanh nghiệp này chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản cấp đông và tươi như sầu riêng, mít, chanh dây. Năm 2022, công ty xuất hàng đi Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, dịp cuối năm, thị trường có tín hiệu không tốt, đơn hàng chậm.
Bà Vân lý giải, nguyên liệu sản xuất trong nước cao kéo theo giá cả bán ra tăng khiến sản phẩm tiêu thụ chậm. Với những thị trường cũ của công ty, khách hàng xuống đơn chậm, cân nhắc về giá; còn thị trường mới chưa có đơn hàng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Công ty XNK Nghiệp Xuân tham gia chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Công thương, các hội nhóm xuất khẩu… Bên cạnh đó, công ty đang tìm tới những thị trường mới, tính toán sản xuất những sản phẩm mới nhằm đa dạng các dòng sản phẩm xuất khẩu.
Theo số liệu từ Sở Công Thương Đắk Nông, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2023 ước đạt 91,9 triệu USD, tăng 13% so với tháng trước và giảm xấp xỉ 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Đắk Lắk, tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu… cũng có chiều hướng chững lại. Theo Sở Công thương Đắk Lắk, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tháng 1/2023 ước đạt 140 triệu USD, giảm 11% so với tháng trước, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 8,8% kế hoạch năm.
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk - nhận định, năm 2023 xuất khẩu sẽ gặp khó khăn do tác động của kinh tế thế giới. Cà phê - mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh này cũng không nằm ngoài dự định, dù mặt hàng này ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê. Con số này khiến các DN xuất khẩu cảm thấy “áp lực” trong bối cảnh dự báo thị trường nhiều biến động.
Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay giá cà phê giảm 15% so với trước đây, chỉ còn 41.000 đồng/kg; cùng đó là khó khăn về nguồn vốn thu mua nông sản do ngân hàng tăng lãi suất vẫn khó giải ngân nên doanh nghiệp thu mua cà phê sẽ giảm giá mua so với trước.
Trước những dự báo khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, ngành Công thương Đắk Lắk tham mưu UBND tỉnh cần có chính sách, cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thu mua cà phê; thu hút nhiều doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu và đa dạng hóa các mặt hàng; tìm kiếm, mở rộng thị trường mới… Hiện cà phê Đắk Lắk xuất sang 64 thị trường, trong đó Nhật Bản là thị trường lớn nhất.
Theo Huỳnh Thủy - Khả Hưng
Tiền Phong