Fica
  1. Thời sự

Đề xuất Hải Phòng lập Khu thương mại tự do: Sẽ xem xét bổ sung sau

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cơ chế đặc thù là để làm sao các địa phương thực hiện chủ động, chứ không được lạm dụng. Cơ chế cho tốt nhưng kết quả lại không tốt thì cũng không được.

Sáng nay (22/10), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương này, tăng đóng góp ngân sách, việc làm và đưa các địa phương này trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh.

Đề xuất Hải Phòng lập Khu thương mại tự do: Sẽ xem xét bổ sung sau - 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp tổ (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Dũng, trước đây cũng đã từng ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. "Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng", ông Dũng cho hay.

Về chủ trương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết 4 địa phương nêu trên mong chờ nhất hai vấn đề lớn: phân cấp đặc quyền cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

"Nhưng đúng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, tôi đồng tình là đã cho phép cơ chế như thế này thì làm sao để nghiên cứu cho kỹ, cho đầy đủ, phù hợp với điều kiện đặc thù riêng có từng địa phương, tạo điều kiện cho họ bứt phá, trở thành đầu tàu", ông Dũng nhấn mạnh.

Về khuôn khổ phạm vi của dự thảo, ông Dũng cho biết, đây là các nội dung được địa phương đề xuất, các bộ ngành thẩm định trên ý địa phương, cũng có thể có thêm những cơ chế chính sách khác nhưng do vấn đề thời gian, nên sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm.

Với các vấn đề được tiếp tục nghiên cứu, ông Dũng cho biết có thể bổ sung trong quá trình thực hiện. Ví dụ như đề xuất Hải Phòng có thêm khu thương mại tự do. Nếu được cho phép thì sẽ bổ sung sau.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết có một vấn đề hết sức được quan tâm, đó là làm sao hài hòa được với các địa phương, không ảnh hưởng ngân sách nhà nước. "Đặc biệt là làm sao trong tổ chức thực hiện thế nào mà phát huy được hết các cơ chế đã trao", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, nếu cho cơ chế rồi mà tăng trưởng vẫn thế, không có đóng góp gì thêm thì ý nghĩa giảm đi rất nhiều. "Chúng tôi hết sức quan tâm vấn đề này. Chúng tôi sẽ bám sát với địa phương xem các chính sách có phát huy được hết không, đánh giá lại", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh thêm, cơ chế là để làm sao các địa phương thực hiện chủ động, chứ không được lạm dụng. Cơ chế cho tốt nhưng kết quả lại không tốt thì cũng không được.

Góp ý về dự thảo, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng cần thiết sự thống nhất cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh. "Trước chúng ta hỗ trợ nơi yếu, đó là cách tiếp cận truyền thống. Giờ thì tiếp cận những nơi có tiềm năng, lợi thế. Đây là cách tiếp cận nhiều quốc gia làm", ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội đã từng trao cho TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng cơ chế đặc thù. Chúng ta ưu tiên phát triển vùng có động lực tăng trưởng cao bên cạnh việc quan tâm các tỉnh nghèo, khó khăn.

Có hai vấn đề theo ông Định cần được quan tâm đó là giành nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng để họ phát huy sức mạnh của mình. Giảm bớt thủ tục cho công việc nhanh gọn, để cho các đơn vị phát triển.

Vừa qua theo ông Định, tăng trưởng ở Hải Phòng rất tốt. Hải Phòng có thể trở thành động lực tăng trưởng của cả nước chứ không chỉ vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong khi đó, Thanh Hóa, Nghệ An là những tỉnh có diện tích lớn, dân đông.

"Sau thời gian thí điểm thì sẽ tổng kết, nếu phù hợp có thể sửa luật, có thể áp dụng tỉnh này hoặc áp dụng tỉnh khác", ông Định cho hay.

Nguyễn Mạnh