Fica
  1. Thời sự

Covid-19 “tấn công” kinh tế, xăng dầu vẫn chưa thể giảm “sốc”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Các ngành nghề trong nền kinh tế, đặc biệt là hàng không, đang bị tác động rất tiêu cực bởi dịch Covid-19. Xăng dầu đã được điều chỉnh giảm mạnh, song vẫn chưa thể giảm “sốc” như thế giới.

Covid-19 “thổi bay” 30.000 tỷ đồng, hàng không Việt Nam tiếp tục “lao dốc”

Covid-19 “tấn công” kinh tế, xăng dầu vẫn chưa thể giảm “sốc” - 1

Các hãng hàng không cắt giảm tần suất khai thác rất lớn do Covid-19

Thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Từ cuối tháng 1/2020, do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến nay, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

Hiện các hãng đã cắt toàn bộ chuyến bay Trung Quốc, Hàn Quốc. Đường bay Hongkong đã cắt giảm 69% số chuyến bay (còn 36 chuyến/tuần so với 115 chuyến/tuần), trong đó các hãng Việt Nam gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines bay 4 chuyến/tuần (còn 4 chuyến/tuần so với 47 chuyến/tuần cuối năm 2019).

Với đường bay Nhật Bản hiện vẫn giữ 160 chuyến/tuần, nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.

“Đóng cửa” đường bay Việt Nam - Nga, Đài Loan vì dịch bệnh nghiêm trọng

Do diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng và chính sách hạn chế nhập cảnh giữa các nước, Vietnam Airlines tạm dừng thực hiện các chuyến bay giữa Việt Nam và Nga, Đài Loan từ ngày 19/3.

Vietnam Airlines cho biết sẽ miễn điều kiện và miễn lệ phí đổi hành trình hoặc đổi ngày bay cho tất cả hành khách bay giữa Việt Nam và Nga, Đài Loan bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kể từ ngày 19/3 đến khi hãng có thông báo mới.

Kế hoạch khai thác trở lại các đường bay này sẽ được hãng thực hiện khi có quyết định mới của các nhà chức trách. Những điểm đường bay khác được cập nhật theo quyết định của Chính phủ các nước sở tại để có kế hoạch khai thác phù hợp.

Trước đó, Vietnam Airlines cũng dừng khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp từ ngày 17/3 và Việt Nam - Malaysia từ ngày 18/3 do Chính phủ các nước này phong tỏa biên giới.

Như vậy, hiện hàng không Việt Nam duy nhất khai thác tới châu Âu chỉ còn duy trì các đường bay tới Anh và Đức. Đến nay, hãng này đã tạm "đóng cửa" các đường bay tới thị trường Trung Quốc đại lục, Đài Loan - Trung Quốc, Pháp, Nga, Malaysia.

EU đóng cửa biên giới, xuất khẩu Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?

Covid-19 “tấn công” kinh tế, xăng dầu vẫn chưa thể giảm “sốc” - 2

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công Thương cho biết hàng hóa nhập khẩu vào các nước EU bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm.

Ngày 17/3, lần đầu tiên lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU .

Trong thông cáo phát đi chiều ngày 19/3 về vấn đề này, Bộ Công Thương giải thích, việc đóng cửa biên giới, không phải là phong tỏa.

EU là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tương đối lớn.

Các quy định liên quan đến kiểm soát dịch có thể sẽ: gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU; cản trở các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư hai Bên; cản trở việc di chuyển của các chuyên gia và lao động trong những lĩnh vực bị hạn chế trong bối cảnh siết chặt cách ly để chống dịch.

Theo Bộ này, xuất khẩu quý 1 và 2 của Việt Nam sang EU dự báo có thể giảm từ 6% đến 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm.

Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm lãi suất trên diện rộng

Với Quyết định số 418, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.

Quyết định số 419 ngày 16/3 quyết định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cùng với đó, Quyết định số 420 giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Các quyết định này của NHNN đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh bị tác động tiêu cực bởi Covid-19.

Vì đâu giá xăng trong nước không giảm “sốc” như thế giới?

Covid-19 “tấn công” kinh tế, xăng dầu vẫn chưa thể giảm “sốc” - 3

Việc trích lập quỹ bình ổn để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.

Giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 2.315 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 2.290 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.750 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.353 đồng/kg; dầu hỏa giảm 1.830 đồng/lít.

Đây là mức giá giảm sâu nhất trong hơn một năm qua . Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về mức giá giảm của Việt Nam vẫn chưa “sốc” được như giá thế giới. Thực tế, giá xăng dầu trong nước vẫn có dư địa giảm thêm vì khoản trích quỹ bình ổn giá.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành theo chu kỳ 15 ngày. Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.

Mức giảm tại kỳ điều hành hôm qua được ông Đông cho rằng, tương đối mạnh. Ngày giảm mạnh trong đợt vừa qua, theo ông Đông, là mức giảm 30% sau khi Nga và OPEC không đạt thoả thuận về cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, theo ông Đông mức giảm này chỉ là biểu hiện của ngày hôm đó, sau đó giá lại tăng lên.

Mai Chi (tổng hợp)