Fica
  1. Thời sự

“Có tiền mà không tiêu” - Bộ Giao thông sẽ xử lý trách nhiệm hàng loạt!

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án để xảy ra chậm trễ, không đảm bảo tiến độ giải ngân; không giao thêm việc và đưa vào đánh giá xếp hạng chủ đầu tư, ban quản lý dự án năm 2019.

Vấn đề này được Bộ GTVT quán triệt bằng văn bản, trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra quá chậm.

Có tiền không tiêu cũng là… “tội”!

Tính đến ngày 31/8/2019, Bộ GTVT mới giải ngân được khoảng 6.857 tỷ đồng, đạt 27,4% kế hoạch vốn đã được giao (25.017 tỷ đồng). So với dự kiến giải ngân đã xây dựng từ đầu năm, kết quả giải ngân đạt thấp hơn số dự kiến khoảng 3.435 tỷ đồng. Từ nay tới cuối năm 2019, Bộ GTVT cần phải tiếp tục giải ngân khoảng 19.905 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác giải ngân, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng tiến độ nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào các Ban quản lý dự án (QLDA) - đơn vị ký hợp đồng với các bên liên quan và sử dụng tiền để triển khai. Thậm chí, lãnh đạo Bộ GTVT “cảnh báo” rằng, năm 2019 nếu Ban QLDA nào giải ngân dưới 95% thì sẽ không giao thêm nhiệm vụ trong năm 2020, toàn bộ lãnh đạo của các Ban QLDA không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019.

“Có tiền mà không tiêu” - Bộ Giao thông sẽ xử lý trách nhiệm hàng loạt! - 1

Chủ đầu tư dự án giao thông chậm quyết toán và giải ngân thi công sẽ bị xử lý trách nhiệm

Mới đây nhất, Bộ GTVT đã có văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, đôn đốc tiến độ thi công và giải ngân các dự án do Bộ GTVT quản lý trong 4 tháng cuối năm 2019.

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, các chủ đầu tư, Ban QLDA phải thường xuyên kiểm soát tiến độ thực tế, trường hợp các gói thầu, dự án không có chuyển biến tích cực, không đáp ứng tiến độ, phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời hoặc bổ sung, thay thế nhà thầu để triển khai thi công đáp ứng tiến độ, đảm bảo kế hoạch giải ngân theo yêu cầu.

“Bộ GTVT sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân các chủ đầu tư, ban QLDA nếu để xảy ra chậm trễ, không đảm bảo tiến độ giải ngân và đưa vào đánh giá xếp hạng chủ đầu tư, ban QLDA năm 2019.” - văn bản của Bộ GTVT khẳng định.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA rà soát tổng thể tình hình nghiệm thu thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành đối với từng gói thầu, dự án, những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành của từng gói thầu, dự án; kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà thầu về hồ sơ thủ tục nghiệm thu, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của dự án.

Vì sao nên nỗi?

Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân chưa cao là do việc bổ sung kế hoạch vốn chậm, các dự án cần có thủ tục mới giải ngân được số vốn mới giao, các dự án gặp vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong khâu thanh quyết toán các dự án hoàn thành.

“Có tiền mà không tiêu” - Bộ Giao thông sẽ xử lý trách nhiệm hàng loạt! - 2

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ hoàn thành vào tháng 9/2020

Đơn cử như dự án trong điểm cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội), do gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thi công nên được giao kế hoạch giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng vốn ODA nhưng tính đến giữa tháng 8/2019, kết quả giải ngân hai 2 gói thầu xây lắp của công trình còn đạt thấp so với kế hoạch dự kiến. Trong đó, gói thầu số 1 giải ngân được 443/1.122 tỷ đồng (đạt 39,4%), gói 2 giải ngân 403,3/1.044 tỷ đồng (đạt 38,6,84%).

Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Thăng Long cho biết, điều kiện mặt bằng của dự án thay đổi nên dự án phải thực hiện một số nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật cần thời gian phê duyệt điều chỉnh để triển khai thi công. Hơn nữa, việc vận chuyển dầm lớn khoảng 100 tấn phải sử dụng xe siêu trường, siêu trọng nên thủ tục cấp phép kéo dài, đến giữa tháng 4/2019 mới được cấp giấy phép dẫn đến việc triển khai thi công lắp đặt các nhịp cầu và bản mặt cầu bị chậm.

Tình trạng chậm giải ngân vốn cũng diễn ra tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Năm 2019, Ban này được giao 1.502 tỷ đồng và 114,8 tỷ đồng vốn kế hoạch 2018 kéo dài. Tính đến cuối tháng 8/2019, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được 184 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó vốn 2018 kéo dài 88,2 tỷ đồng đạt 71% kế hoạch, vốn năm 2019 giải ngân được 96,14 tỷ đồng, đạt 6,4% kế hoạch.

“Do chủ yếu giải ngân chi phí tư vấn, rà phá bom mìn… nên giá trị chưa nhiều. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung giải ngân giải phóng mặt bằng và xây lắp, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2019.” - đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nói.

Việc giải ngân vốn chậm cũng diễn ra ở một số dự án thuộc các lĩnh vực đường sắt, hàng hải, trong đó có Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Dự án cảng Lạch Huyện…

Châu Như Quỳnh