Fica
  1. Thời sự

Chủ tịch WEF: "Lỡ chuyến tàu Cách mạng 4.0 là bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhấn mạnh: "Nếu quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng”.

Giáo sư Klaus Schwab (ngồi giữa) cho rằng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không thể xem nhẹ tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Giáo sư Klaus Schwab (ngồi giữa) cho rằng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không thể xem nhẹ tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

 

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã có buổi ra mắt cuốn sách phiên bản tiếng Việt mang tên Shaping the Fourth Industrial Revolution (tạm dịch: Định hướng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư).

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ này, Giáo sư Schwab cho rằng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không thể xem nhẹ tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 lên sự thay đổi của kinh tế, xã hội. Khác với 3 cuộc Cách mạng Công nghiệp trong quá khứ, Cách mạng 4.0 không chỉ đơn thuần là sự thay đổi, phát triển của một công nghệ mà bao gồm nhiều công nghệ khác nhau như AI, IoT.

"Điều này không chỉ thay đổi phương thức kinh doanh, tạo ra mô hình kinh doanh mới mà còn tác động tới cả quá trình phát triển kinh tế", ông nói và khẳng định: "Nếu quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng”.


Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Theo GS. Klaus Schwab, nhận thức được tiềm năng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra một không khí doanh nhân, tinh thần doanh nghiệp. Ở góc độ ngược lại, Cách mạng 4.0 cũng mang lại mối đe doạ khi sẽ làm nhiều công việc biến mất.

Tuy nhiên, ông cho rằng không nên bi quan mà cần lạc quan vì công việc cũ biến mất thì sẽ có công việc mới sẽ xuất hiện. Vấn đề ở đây là Chính phủ cần có sự chuẩn bị cho sự thay đổi sang kỷ nguyên mới. Tư duy cũng cần thay đổi, không chỉ của Chính phủ mà cả doanh nghiệp cần chuẩn bị cho sự chuyển đổi này.

Trong cuốn sách của mình, Chủ tịch WEF cũng viết rằng: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có ảnh hưởng lớn lao và đa chiều đối với kinh tế toàn cầu đến mức khó có thể tách bạch một tác động cụ thể nào. Theo đó, tất cả các biến số vĩ mô có thể tính đến như GDP, đầu tư, tiêu dùng, việc làm, thương mại, lạm phát… đều chịu ảnh hưởng.

Về tăng trưởng, Chủ tịch WEF cho biết, hiện có 2 luồng quan điểm trong giới chuyên gia kinh tế. Một mặt, phe bi quan công nghệ lập luận rằng, những đóng góp lớn lao của cách mạng số đã diễn ra và ảnh hưởng của nó với năng suất gần như đã hết.

Ngược lại, phe lạc quan công nghệ cho rằng công nghệ và sáng tạo đang ở “điểm uốn” và sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Bản thân ông Klaus Schwab thừa nhận, ông vẫn là người lạc quan thực tế. “Tôi nhận thức rõ tác động giảm phát tiềm năng của công nghệ và việc một số hiệu ứng phân bổ của nó khuyến khích ưu tiên vốn hơn lao động và thắt chặt tiền lương. Tôi cũng thấy cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phép nhiều người mua sắm nhiều hơn với giá thấp hơn, và thường khiến cho thói quen tiêu dùng trở nên bền vững hơn…", ông nói.

Lý giải sự lạc quan của mình, ông cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cơ hội hội nhập vào kinh tế toàn cầu cho hai tỷ người hiện vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu, kích cầu các sản phẩm và dịch vụ bằng cách trao quyền và kết nối các cá nhân, cộng đồng trên thế giới lại với nhau.

Tuy nhiên, nhà sáng lập WEF cũng nhấn mạnh đừng quá kỳ vọng vào những thành quả đột phá của CMCN 4.0. Đó không phải là nút bấm để có thể biến mọi thứ thay đổi trong phút chốc. Thực tế, đây là quá trình dài hạn, cần nhiều nỗ lực để mang lại thành quả.

“Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nó đòi hỏi những cơ cấu kinh tế và tổ chức hoàn toàn mới để có thể nắm bắt đầy đủ giá trị của nó”, Klaus Schwab nhìn nhận.

GS. Schwab cho biết, để chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp 4.0, WEF đã thành lập một học viện ở San Fransico (Mỹ) và ở nhiều quốc gia khác để đảm bảo rằng ở mức độ toàn cầu, tất cả cùng làm việc với nhau. "WEF đã thành lập một bộ phận đặc biệt, đặt ở nhiều nơi trên thế giới, để hỗ trợ, đảm bảo con người không trở thành nô lệ của robot. Robot chỉ là công cụ phục vụ con người”, ông nói thêm.

Phương Dung