Fica
  1. Thời sự

Chỉ số PMI Việt Nam tháng 9 giảm xuống 50,5 điểm

Mai Chi
Mai Chi

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại vào cuối quý 3, với mức tăng khiêm tốn gần đây là yếu nhất kể từ tháng 8/2016.

(Ảnh minh hoạ)

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam giảm về 50,5 điểm trong tháng 9, cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ cải thiện nhẹ, và mức cải thiện là yếu nhất kể từ tháng 2/2016.

Kết quả chỉ số đã giảm từ mức 51,4 điểm của tháng 8, là lần giảm thứ hai liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại vào cuối quý 3, với mức tăng khiêm tốn gần đây là yếu nhất kể từ tháng 8/2016.

Một số người trả lời khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã yếu đi. Đây cũng là tình trạng trên các thị trường quốc tế khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm hơn.

Tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm tương đối tích cực ở mức 6,98%. Đây cũng là giai đoạn khi PMI Việt Nam tương đối tích cực ở mức khoảng 51-55 điểm.

Theo nhận xét của chuyên gia BVSC, PMI trong tháng 9 suy giảm về sát ngưỡng 50 cho thấy ảnh hưởng rõ rệt hơn của tăng trưởng toàn cầu trực tiếp đến Việt Nam.

Ở giai đoạn hiện tại, tăng trưởng tín dụng đang bị hạn chế, thặng dư lớn từ cán cân thương mại là yếu tố giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP.

Nhưng nếu xu hướng tăng trưởng toàn cầu chậm lại tiếp tục thì có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu khiến tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại so với năm 2018, nhưng vẫn sẽ ở mức tích cực.

So sánh với các nước trong khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tương đối khả quan. Trong cả năm 2019, BVSC tiếp tục giữ quan điểm tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8%.

Mai Chi