Trước đó, chiều 6/11, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tập trung chủ yếu về gian lận thương mại, quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng...
Đặc biệt, Bộ trưởng Công Thương bị “truy” gay gắt về hai vụ việc điển hình là lô nhôm Trung quốc trị giá 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất Mỹ và xe Volkswagen cài đặt bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trưng bày tại triển lãm ô tô.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn các vấn đề "nóng" của ngành công thương vào sáng nay
Trong tổng số 77 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công Thương, có 33 đại biểu đã hoàn thành vào ngày hôm qua, 44 đại biểu còn lại sẽ tiếp tục hoạt động chất vấn. Đáng chú ý, một số vấn đề “nóng” đã được các đại biểu sớm nêu ra.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình): Bộ trưởng Công Thương cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam.
Vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, “hàng rào” kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, thiếu minh bạch về quy định hàng Việt Nam đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao.
Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế "hở"? Doanh nghiệp Việt Nam “chết” ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra, chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hoá của họ trong giai đoạn hiện nay? Đề nghị Bộ trưởng trả lời!
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình)
Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa): Đề cập tới lô nhôm giá 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt, đại biểu cho rằng hai công ty tại Hongkong - Trung Quốc gửi lượng lớn nhôm vào kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó Công ty nhôm toàn cầu Việt Nam làm thủ tục chuyển quyền sở hữu là đúng pháp luật.
Vướng mắc hiện nay là không có quy định thời gian hàng hoá gửi tại kho ngoại quan, hàng nhập khẩu vào khu chế xuất không phải chịu thuế. Từ đó, hàng hoá nước ngoài được “tuồn” vào Việt Nam, sau một thời gian, bằng nhiều cách, một số doanh nghiệp sẽ mập mờ chuyển hoá thành hàng hoá Việt Nam.
Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra các giải pháp khắc phục, xử lý vấn đề doanh nghiệp gian lận xuất xứ và ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc tương tự!
Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa)
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An): Hiện nay, nhiều địa phương đã sản xuất chuyên canh nông sản năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như thanh long, vải…
Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác, đặc biệt là vào những giai đoạn cao điểm, chính vụ thu hoạch. Bằng chứng là hồi tháng 10 vừa qua, hàng trăm container thanh long ùn ứ nhiều ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn.
Bộ Công thương cũng đã có giải pháp nhưng chỉ mang tính can thiệp, xử lý tình huống vào thời điểm cụ thể. Xin hỏi Bộ trưởng có cam kết giải pháp hiệu quả triệt để nào trong thời gian tới để tìm thị trường xuất khẩu ổn định đăng ký xuất khẩu chính ngạch cho nông sản Việt Nam?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An)
Tất cả những vấn đề nói trên sẽ được người đứng đầu ngành công thương trả lời trong phiên chất vấn sáng nay.
Châu Như Quỳnh