Chậm báo cáo nghiên cứu khả thi
Liên quan đến tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (8 dự án đầu tư theo hình thức PPP), báo cáo của Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đang chậm hơn so với tiến độ dự kiến ban đầu khoảng 2-3 tháng.
Cụ thể, đối với 3 dự án nhóm 1 (đoạn Mai Sơn - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây), các thủ tục pháp lý như: đánh giá tác động môi trường (ĐTM), khung chính sách giải phóng mặt bằng đã thống nhất với các bộ, ngành địa phương. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phần vốn đầu tư của Nhà nước và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ GTVT trong tháng 8/2018.
Đối với 5 dự án nhóm 2 (đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt, đoạn Nha Trang - Phan Thiết), công tác thoả thuận với các địa phương và các Bộ, ngành đã hoàn thành. Riêng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo do đi qua địa phận 3 tỉnh, các địa phương còn ý kiến khác nhau về Hồ sơ thiết kế Ban Quản lý dự án 85 (QLDA) vẫn đang tổng hợp ý kiến.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đang chậm so với kế hoạch do nguyên nhân khách quan như: Công tác phân khai vốn còn gặp vướng mắc; bất cập về quy định lãi suất vốn vay chưa được tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc chậm trễ cũng có những yếu tố chủ quan đến từ công tác chuẩn bị hồ sơ dự án của một số Ban QLDA chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu bám sát các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện thủ tục, hồ sơ.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đang gặp nhiều vướng mắc nên chưa thu hút được nhà đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Thứ trưởng Nguyễn Nhật xem xét, đánh giá và chỉ rõ từng yếu tố chủ quan, khách quan khiến tiến độ dự án chậm để đề xuất hình thức kiểm điểm, phê bình, khiển trách đối với ban QLDA yếu kém.
Liên quan đến dự án đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi là Cam Lộ - La Sơn, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và dự toán để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. Mục tiêu khởi công một số gói thầu vào cuối năm 2018, công tác bàn giao giải phóng mặt bằng sẽ phải hoàn thành trong năm nay.
"Vướng" lãi suất khó gỡ, nhà đầu tư e dè!
Báo cáo của Vụ Đối tác công tư nêu rõ, trong quá trình thẩm định dự án đã phát sinh một số vướng mắc. Đặc biệt là vướng mắc về vấn đề lãi vay huy động vốn khiến các nhà đầu tư có phần “e dè”.
Về lãi vay huy động vốn, theo quy định của Bộ Tài chính, ở thời điểm hiện tại, mức lãi suất khoảng 7,72%/năm trong khi đó mức lãi suất cho vay dài hạn tại các ngân hàng thương mại khoảng 10,83% khiến khả năng huy động vốn vay để đầu tư khó khăn.
Bộ GTVT đã báo cáo lên Chính phủ và kiến nghị giao Bộ Tài Chính nghiên cứu xây dựng các Thông tư liên quan để tạo điều kiện thu hút vốn. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án, Vụ Đối tác công tư đã trình lên Bộ trưởng phương án “tạm xác định mức lãi suất vốn vay theo các quy định hiện hành để phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án (khoảng 7,72%)”.
Trường hợp Bộ Tài chính có hướng dẫn khác sẽ cập nhật phương án tài chính và điều chỉnh dự án trước thời điểm phê duyệt Hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo tính toán sơ bộ, trường hợp áp dụng mức lãi suất vốn vay khoảng 10,83% thì tổng số vốn Nhà nước hỗ trợ cho 11 dự án thành phần sẽ tăng từ 51.644 tỷ đồng (theo số liệu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ) lên khoảng 55.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 52/2017/QH14. Đồng thời, thời gian hoàn vốn của các dự án sẽ kéo dài thêm khoảng 1-2 năm.
Về chi phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ, theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 230/TB-VPCP ngày 28/6/2018 có nêu rõ “chi phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ tính trong dự án, đối với phần xây dựng trạm dừng nghỉ do nhà đầu tư thực hiện”.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định và làm việc với một số bộ, ngành, Vụ Đối tác công tư cho rằng, việc lựa chọn vị trí trạm dừng nghỉ quyết định hiệu quả của trạm, thực tế đã có những trạm do vị trí không phù hợp đã không thu hút được phương tiện. Do đó, việc sử dụng vốn Nhà nước để giải phóng mặt bằng thì đến giai đoạn đầu tư có thể sẽ phải điều chỉnh vị trí, gây lãng phí kinh phí đã thực hiện.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Vụ Đối tác công tư đã kiến nghị, chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ do nhà đầu tư tự thực hiện. Vị trí này cũng do nhà đầu tư tự lựa chọn, tính toán vị trí xây dựng.
Về hệ thống giao thông thông minh (hệ thống ITS và thu phí không dừng), theo yêu cầu ban đầu của Bộ trưởng Bộ GTVT có nêu rõ: “Nhà đầu tư được lựa chọn tự tổ chức thực hiện hệ thống ITS, thu phí tự động không dừng, nhưng phải đảm bảo kết nối liên thông với hệ thống có trước, các dự án khác và trung tâm điều hành khu vực”.
Do bước nghiên cứu khả thi thực hiện thiết kế cơ sở cho từng dự án độc lập, không thể đảm bảo kết nối liên thông toàn bộ hệ thống. Do vậy, để đảm bảo hệ thống giao thông thông minh vận hành liên thông, Vụ Đối tác công tư cho rằng, trong bước thiết kế kĩ thuật sẽ tách hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí toàn tuyến (11 dự án thành phần) thành một gói thầu riêng, thiết kế tổng thể chung cho các dự án để đảm bảo kết nối hệ thống. Trên cơ sở kết quả thiết kế tổng thể sẽ phân bổ, xác định cụ thể hệ thống giao thông thông minh cho từng dự án thành phần.
Châu Như Quỳnh