Fica
  1. Thời sự

Cấm nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ dại: "Quá cảnh giác hay thiếu hiểu biết” (?!)

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chưa chứng minh được tác động gây hại nhưng Cục Bảo vệ Thực vật đã “cấm cửa” lúa mì nhập khẩu nếu có lẫn loại cỏ Cirsium arvense. Các chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp “phản pháo” và kiến nghị hủy công văn vì không có cơ sở pháp lý, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Bỗng nhiên ra công văn buộc "tái xuất"

Ngày 5/9/2018, ông Đặng Văn Hoàng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng II ký công văn (số 99/CV-KD2) về việc: “Vật thể nhiễm hạt cỏ Cirsium arvense (L.) scop” gửi đến các tổ chức, cá nhân nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Công văn của Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 về việc vật thể nhiễm hạt cỏ

Công văn của Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 về việc "vật thể nhiễm hạt cỏ"

Công văn ghi rõ: “Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ Thực vật từ ngày 1/11/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ Cirsium arvense (L.) scop sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất. Đồng thời Cục Bảo vệ Thực vật báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể nhiễm hạt cỏ nói trên”.

Nội dung công văn khoảng 7 dòng (không giải thích gì thêm) ngay lập tức gây tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất, chế biến các sản phẩm liên quan đến lúa mì “vật thể nhiễm hạt cỏ Cirsium arvense” – tên gọi Việt Nam là cỏ ké đồng. Công văn ban hành đầu tháng 9/2018 sẽ chính thức thực thi sau gần 2 tháng, thời gian cấp bách khiến các doanh nghiệp và cả những người làm công tác chuyên môn “không kịp trở tay”.

Để có những thông tin khách quan tìm hướng tháo gỡ cho về vấn đề trên, ngày 8/10 tại TPHCM Hội Lương thực Thực phẩm cùng các chuyên gia và doanh nghiệp đã tổ chức buổi tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp khi nhập khẩu lúa mì”. TS Trần Duy Khanh - chuyên gia nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho hay: “Trong quy trình kiểm dịch thực vật có 2 loại cần cấm, một là sinh vật gây hại, hai là sinh vật cạnh tranh. Ké đồng là loài cây chưa có ở Việt Nam, theo các tài liệu của thế giới thì cây này chỉ cạnh tranh dinh dưỡng, thường phát triển ở những cánh đồng lúa mì, cây không gây hại cho con người”.

 

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sản xuất, chế biến liên quan đến lúa mì sốc sau khi công văn ban hành

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sản xuất, chế biến liên quan đến lúa mì "sốc" sau khi công văn ban hành

Cũng theo TS Duy Khanh: “Lúa mì là loài thực vật phát triển ở xứ lạnh, không phù hợp với khí hậu Việt Nam. Hiện loài cây này được trồng thí điểm ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng phát triển kém, cho rất ít hạt hoặc không cho hạt. Mặt khác, hoạt động nhập khẩu lúa mì đã diễn ra từ thời bao cấp đến nay nhưng ở Việt Nam chưa có sự xâm thực của loài cỏ ké đồng, từ miền Bắc tới miền Nam chưa ai biết hình dạng loài cỏ này như thế nào”.

“Không có cỏ nên cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào về sự nguy hại của cây cỏ ké đồng được thực hiện tại Việt Nam. Ở các nước trồng lúa mì thì loài chim sẻ vẫn tìm hạt của loài cỏ này để ăn, điều đó chứng tỏ chúng không gây hại cho động vật. Nay không hiểu căn cứ vào đâu, Cục Bảo vệ Thực vật bỗng nhiên cấm nhập các loại vật thể nhiễm loại cỏ trên. Đây là hành động quá cảnh giác hay thiếu hiểu biết của những bộ phận liên quan” – TS Duy Khanh hoài nghi.

Công văn không có cơ sở pháp lý, tác động tiêu cực đến kinh tế

Thống kê sơ bộ trong 8 tháng đầu năm 2018 khối lượng lúa mì được nhập vào Việt Nam khoảng hơn 3,6 triệu tấn với giá trị 877 triệu USD. Các quốc gia Nga, Úc, Canada, Mỹ, Brazil là những thị trường chủ lực cung cấp lúa mì cho Việt Nam. Sau khi nhập, lúa mì sẽ được nghiền thành bột mì và tái xuất khẩu sang thị trường các nước ở khu vực Đông Nam Á. Ở thị trường trong nước, bột mì là nguyên liệu chính phục vụ cho các nhà máy chế biến mì ăn liền, bánh mỳ, bánh kẹo, thức ăn thủy sản, thức ăn gia súc...

Buổi tọa đàm về Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì diễn ra tại TPHCM

Buổi tọa đàm về "Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì" diễn ra tại TPHCM

Gần đây, Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát hiện lúa mì được nhập từ Mỹ, Canada, Nga có hạt ké đồng nên ra công văn ngăn chặn vì lo sợ phát tán hạt ké đồng ra thực địa. Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo những đơn vị nhập khẩu tìm nguồn hàng thay thế đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ ra, hầu hết các nước có vùng trồng, xuất nhập khẩu lúa mì đều phát hiện có lẫn hạt ké đồng, gần Việt Nam nhất là Thái Lan, Indonesia… cũng phát hiện nhưng các nước trên không cấm.

Công văn của Cục Bảo vệ Thực vật khiến các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đóng cửa. “Trong nước không trồng được lúa mì, thị trường các quốc gia cung cấp lúa mì lâu nay là những vùng trồng lúa mì lớn nhất thế giới. Chỉ trong gần 2 tháng, họ yêu cầu chúng tôi phải tìm thị trường thay thế để đảm bảo kiểm dịch thực vật thử hỏi tìm ở đâu? Làm sao để tìm? Dù có tìm được thì chắc gì không có hạt ké đồng khi hầu hết các nước đều đã ghi nhận sự có mặt của loại cỏ này lẫn trong lúa mì” – Lãnh đạo một đơn vị nhập khẩu, sản xuất bột mì tại TPHCM cho hay.

Đại diện một công ty khác cho biết thêm: “Chúng tôi đề nghị các đối tác của mình phải chủ động loại bỏ hạt ké đồng trước khi xuất sang Việt Nam thì họ từ chối bởi việc trồng và thu hoạch của họ thực hiện bằng cơ giới hóa trên những cánh đồng lớn. Nếu muốn ngăn chặn hạt cỏ ké đồng, Bộ Nông nghiệp cần phải phân định rõ đâu là nguồn hàng để làm giống, đâu là nguồn hàng phục vụ sản xuất. Chúng tôi đã có những giải pháp loại bỏ tạp chất trong đó có hạt cỏ, mặt khác hạt đã rang, xay rồi làm sao mọc được…”

Các doanh nghiệp đang bị thiệt hại, nguy cơ phải đóng cửa bởi một công văn không có cơ sở pháp lý

Các doanh nghiệp đang bị thiệt hại, nguy cơ phải đóng cửa bởi một công văn không có cơ sở pháp lý

Đại diện các doanh nghiệp cho biết, dù chưa chính thức thực thi “lệnh cấm” nhưng thiệt hại của các doanh nghiệp đã hiện hữu. “Chúng tôi phải tăng thêm ít nhất 5% chi phí cước vận chuyển để các chuyến tàu cập bến trước ngày 1/11/2018. Với những hợp đồng đã được ký kết thiệt hại của doanh nghiệp còn lớn hơn nhiều… Trong tương lai, nguồn hàng ở đâu để thay thế, nhà máy chắc chắn phải đóng cửa, thất nghiệp, thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngành sản xuất chế biến liên quan đến lúa mì ai sẽ bù đắp?”

Trước vấn đề trên, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội – Trưởng ban An toàn Thực phẩm, TPHCM cho hay: “Đến nay, chưa có chứng minh lâm sàng nào trên thế giới cho thấy cỏ Cirsium arvense có hại cho sức khỏe con người, ở góc độ an toàn thực phẩm chưa ghi nhận sự độc hại”.

PGS Phong Lan khẳng định: “Muốn cấm nhập khẩu các vật thể nhiễm loại cỏ này cần phải thực hiện nghiên cứu trên cơ sở định tính, định lượng cũng như tác động của nó đến thực vật bản địa. Trường hợp xác định nó có độc và gây hại, trình tự pháp lý (theo Nghị định 116) quyền ban hành các vấn đề liên quan là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật chỉ là đơn vị tham mưu. Cần ngừng ngay lập tức công văn của Cục để nghiên cứu kiểm chứng cho đến khi có kết quả và ý kiến cuối cùng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp”.

Vân Sơn

banner_chan-bai