Fica
  1. Thời sự

Cách điều chỉnh giá điện mới: Ai được lợi, người nào thấy buồn?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo chuyên gia, đề xuất biểu giá điện mới đã bám sát với chi phí hơn. Việc bù chéo giá điện giữa sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh theo đó sẽ giảm đi...

Cách điều chỉnh giá điện mới: Ai được lợi, người nào thấy buồn? - 1

Với đề xuất cải tiến, giá điện sinh hoạt bậc thang có thể rút xuống còn 5 bậc.

Cách điều chỉnh mới vẫn chưa hợp lý?

Như Dân trí đã đưa tin, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.

Theo đó, phương án rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc được đưa ra thu hút sự quan tâm (Bậc 1 từ 0-100kWh; Bậc 2 từ 101-200kWh; Bậc 3 từ 201-400kWh; Bậc 4 từ 401-700kWh và Bậc 5 từ 701kWh trở lên).

Nhiều ý kiến cho rằng, với phương án 5 bậc thang sẽ bỏ bậc thang 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc một từ 0-100kWh là không hợp lý.

“Điện bậc 1 là điện bán dưới giá thành dành cho những gia đình nghèo không có nhiều thiết bị gia dụng. Ở nông thôn rất nhiều hộ dùng dưới 100 số. Những người mua được nhiều thiết bị hiện đại, sắm được điều hoà, tủ lạnh, dùng tốn điện hơn thì nên trả giá điện bậc cao hơn. Hãy để cái giá thật thấp cho những người thực sự cần”, một độc giả nêu quan điểm.

Một độc giả khác lại cho rằng, tại sao không tính số người sống trong mỗi hộ. Ví dụ như hộ 4 người thì 200kWh đầu là bậc một. Hộ 2 người thì 100kWh đầu là bậc một. Như vậy không bất công với những hộ đông con. Vì nhiều người thì nhu cầu cũng nhiều hơn.

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết vẫn còn “phân vân” với đề xuất cải tiến biểu giá đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt vừa được đưa ra.

“Tôi nhất trí với đề xuất điều chỉnh 6 bậc thành 5 bậc. Nhưng mức giá đề xuất, xét về kinh tế thì hợp lý. Vì nó phản ánh sát hơn chi phí phát sinh cho hệ thống điện nhưng về mặt chính trị, phương án đề xuất có thể gây thiệt cho đại bộ phận người tiêu dùng, và tác động có lợi cho một số ít khách hàng là người giàu có trong xã hội”, ông Cung nói.

Trao đổi với Dân trí, TS. Nguyễn Đình Cung nói thêm, với đề xuất này, những người ở bậc thấp thì trả thêm tiền, những người bậc cao thì trả ít đi. Trong khi đó, mức giá không nên để theo hướng người giàu có lợi, người nghèo chịu thiệt. Việc điều chỉnh phải theo nguyên tắc, càng sử dụng nhiều điện thì càng phải trả thêm nhiều tiền.

Ông Cung kiến nghị nên giảm phần giá đối với bậc thấp, tăng giá đối với phần bậc cao trong biểu giá 5 bậc như tại đề án đưa ra.

Bù chéo giá điện

Một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm từ phía chuyên gia đó là việc bù chéo giá điện. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận: Trước nay người ta hay nhắc tới vấn đề bù chéo giá điện.

Theo đó, các hộ gia đình tại Việt Nam đang phải trả giá điện cao hơn để các nhà máy được dùng điện rẻ hơn. Thậm chí theo ông Đức, có ý kiến cho rằng, Việt Nam làm vậy thì chỉ có lợi cho đầu tư nước ngoài, lợi cho các ngành dùng nhiều điện, ô nhiễm môi trường, trong khi dân phải móc túi ra trả.

“Thực tế thì đúng là giá điện cho sinh hoạt là ở mức 109,55%, cao hơn mức 89,53% của giá điện cho các nhà máy và nông dân. Nhưng nguyên nhân là do Nhà nước cố tình đặt ra vậy để bù chéo, hay do chi phí bán điện cho sản xuất rẻ hơn cho sinh hoạt thì không rõ”, ông Đức bình luận.

Tuy nhiên có một điều ông Đức chắc chắn, đó là những người dùng điện kinh doanh, khách sạn, nhà hàng, văn phòng... đang phải bù chéo cho các hộ gia đình. Chi phí cấp điện cho họ thấp hơn cấp cho hộ gia đình, nhưng giá điện của họ ở mức 148,58%, cao hơn hẳn mức 109,55% của hộ gia đình.

Theo vị này, đề xuất biểu giá điện mới sát với chi phí hơn nên có thể coi là đỡ bù chéo hơn. Theo đó, giá điện cho sản xuất sẽ tăng 3,66%, cho hành chính sự nghiệp sẽ tăng 3,30%. Bù lại thì giá điện cho sinh hoạt giảm 2,41% và cho kinh doanh, thương mại, dịch vụ giảm 12,11%.

“Không rõ các hộ gia đình (nhóm đông đảo nhất) có vui không. Nhưng chắc chắn các khách sạn, nhà hàng, văn phòng là “vui” nhất. Còn các nhà máy sản xuất công nghiệp, nông dân, trường học, bệnh viện sẽ “buồn” đấy”, ông Đức nói.

Theo quan điểm TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bao cấp và bù chéo ở đây là không công bằng và không phù hợp với nguyên tắc thị trường.

“Đi sâu hơn vào cơ cấu biểu giá, đề án đã chỉ rõ việc còn có bao cấp về giá điện đối với các hộ sản xuất, các hộ kinh doanh đã gánh chịu phần chi phí này đối với các hộ sản xuất. Cần làm rõ thêm về mục tiêu, chính sách nào, quy định nào? Và đánh giá thêm nếu do chính sách thì có đạt mục tiêu không và còn phù hợp không”, ông Cung cho rằng, bao cấp là điều không nên được duy trì nữa.

Ông Cung cũng cho rằng cần tính toán chi phí cung ứng điện theo vùng so với giá bán thực tế, số chi phí phát sinh thực tế của các tổng công ty phân phối điện. Từ đó, chúng ta biết được liệu có bù giá chéo giữa các vùng.

Nguyễn Mạnh

Cách điều chỉnh giá điện mới: Ai được lợi, người nào thấy buồn? - 2