Trao đổi với PV Dân trí về thực tế trên, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) - thừa nhận, Bộ Luật Lao động hiện hành (được sửa đổi năm 2012) có “khoảng trống” trong việc điều chỉnh các mô hình quan hệ lao động mới, kiểu như Grab.
“Khoảng trống” về pháp luật lao động
Theo ông Hà Đình Bốn, việc nhận diện của các quan hệ lao động mới, đơn cử như giữa Grab và lái xe là không dễ. Bởi nhóm quan hệ này chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố được nêu trong quan hệ lao động, vốn được quy định trong Luật Lao động năm 2012.
Ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH)
“Trong khi đó, Luật Lao động, thậm chí là Luật Công chức đều ghi rõ các yếu tố của quan hệ lao động, như: Ai là người lao động, chủ sử dụng lao động, độ tuổi người lao động ra sao, tiêu chí ký hợp đồng như thế nào, công việc ra sao, nội quy làm việc thế nào…” - ông Hà Đình Bốn bổ sung.
Do khó xác định được quan hệ giữa chủ Grab và lái xe là đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động hiện hành, các cơ quan chức năng chưa thể có căn cứ áp dụng quy định tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho những lái xe.
Được biết trong số 175.000 lái xe cho Grab, nhiều người đã làm việc cho Grab có thời gian tới 6 tháng, 1 năm hoặc còn lâu hơn.
“Việc phát sinh quan hệ giữa lái xe và Grab chỉ là một trong số nhiều loại hình quan hệ thuộc nhóm lao động, mới phát sinh trong thời gian qua” - ông Hà Đình Bốn cho biết.
Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm hiện hành đều quy định khá rõ: Người lao động ký hợp đồng lao động có thời gian từ 1 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội và người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Vậy trong lộ trình sửa đổi Luật Lao động năm 2012 tới đây, cơ quan chức năng sẽ làm gì để không “bỏ sót” đối tượng điều chỉnh?
Tăng khả năng nhận diện
Theo ông Hà Đình Bốn cho biết: “Một trong các hướng điều chỉnh Luật Lao động năm 2012 là mở rộng khả năng nhận diện đối tượng. Theo đó, Luật sẽ được quy định cụ thể hơn thế nào là tiêu chí người sử dụng lao động như, người lao động, các nội dung của hợp đồng lao động…”.
Được biết, tổ soạn thảo dự án sửa đổi Luật lao động sẽ ưu tiên xây dựng định nghĩa cụ thể và rõ ràng hơn về hợp đồng lao động. Qua đó nhằm điều chỉnh các hình thức biến tướng của quan hệ lao động, khó nhận diện với những dạng hợp đồng giao khoán hay mô hình Grabcar, GrabBike hiện nay.
“Nếu các quan hệ dù thể hiện ở bất cứ dạng hợp đồng nào nhưng hội tụ đủ các yếu tố của hợp đồng lao động, như: Có sự ký kết giữa các bên, có cam kết thực hiện công việc cụ thể, có trả lương, có sự giám sát và quản lý…thì đều được coi là hợp đồng lao động, phải tuân theo quy định của pháp luật lao động” - ông Hà Đình Bốn nhận định về phương án điều chỉnh tới đây.
Cũng theo vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế: “Nếu thực hiện được điều này, người lao động khi tham gia quan hệ lao động kiểu mới phát sinh vẫn được đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp”.
Tuy nhiên ông Hà Đình Bốn lưu ý, việc điều chỉnh trước hết sẽ nhằm vào những quan hệ hoặc mô hình có tác động tới số đông trong xã hội. Đồng thời, quy định mới ban hành cần đảm bảo 2 bên đều có thể chấp nhận được, đảm bảo tính hài hoà.
“Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn bảo vệ người sử dụng lao động. Khi quan hệ đã được Luật xác định và điều chỉnh, quyền lợi của người sử dụng lao động cũng được bảo vệ khi bị xâm phạm…” - ông Hà Đình Bốn nói.
Lộ trình sửa Luật Lao động năm 2012
Dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đang được Bộ LĐ-TB&XH triển khai nghiên cứu, với hơn 10 nhóm vấn đề lớn: Hợp đồng lao động, tiền lương và thời giờ làm việc, tuổi nghỉ hưu, quan hệ lao động, thanh tra lao động...Dự kiến đầu năm 2019, Bộ sẽ trình Chính phủ dự án. Trên cơ sở đó, Chính Phủ sẽ trình Quốc Hội xem xét và cho ý kiến trong năm 2019.
Hoàng Mạnh