Fica
  1. Thời sự

Bộ trưởng KH&ĐT: Có chuyện “chạy theo yêu cầu” nhà đầu tư để đề xuất dự án

Như Quỳnh
Như Quỳnh

Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu ra trước Quốc hội khi tại nhiều kỳ họp đều có ý kiến bức xúc về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Địa phương "đẩy" lên Trung ương

Báo cáo giải trình một số vấn đề liên quan đến Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch dự kiến cho 2021-2025, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, lâu nay cứ nói đến giải ngân đầu tư công là nói đến thể chế. Cứ nói đến thể chế là nói đến Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, liên quan đến đầu tư công không phải là chỉ có Luật Đầu tư công mà có rất nhiều các luật khác như Đất đai, Xây dựng, Môi trường, Ngân sách…

“Đầu tư công cũng liên quan đến rất nhiều các cấp, các ngành, rất nhiều các tổ chức, cá nhân liên quan, từ Trung ương đến địa phương rồi đến quận huyện, đến giải phóng mặt bằng đến nhà thầu, đến tư vấn, đến giám sát đến… Phải nói trong cả một hệ sinh thái như vậy mới đầy đủ chứ nếu chỉ nói mỗi Luật Đầu tư công mà không tìm rõ được nguyên nhân chính xác nằm ở đâu thì không thể có giải pháp, có quyết sách phù hợp để sửa đổi và khắc phục được" - Bộ trưởng Dũng lý giải. 

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quốc Chính). 

Cho rằng một số quy định hiện còn chưa thống nhất, chồng chéo, chậm được sửa đổi, người đứng đầu Bộ KH&ĐT dẫn ví dụ về bất cập trong việc điều chuyển hàng năm giữa vốn ngân sách nhà nước và giữa các dự án trong cùng một địa phương vẫn phải báo cáo Trung ương.

Kế đó là việc phân cấp, phân quyền hiện nay chưa rõ, chưa gắn với trách nhiệm giải trình và kết quả thực hiện. Chủ trương phải phân cấp mạnh nhưng phân cấp rõ ràng rồi, nhiều địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy và liên tục hỏi lại Trung ương, mất rất nhiều thời gian và không cần thiết.

"Xin thưa rằng, bây giờ là tất cả các vấn đề phân cấp, phân quyền đã rõ, không còn gì trên Trung ương. Từ khâu lập dự án, lựa chọn dự án, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, triển khai, bố trí vốn chi tiết hàng năm đều do địa phương và bộ, ngành làm hết.

Trung ương chỉ phân bổ theo nguyên tắc tiêu chí Quốc hội thông qua được bao nhiêu trong vòng 5 năm và hàng năm được bao nhiêu dựa trên khả năng thu ngân sách. Bộ KH&ĐT làm mỗi một việc là tổng hợp và không có gì sai với các nguyên tắc, tiêu chí là trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chọn dự án theo tư duy nhiệm kỳ

Về lựa chọn dự án, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng còn có chỗ "chưa bám sát quy hoạch, yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối, còn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư để chúng ta đề xuất dự án".

Nhiều dự án chưa cần thiết vẫn đề xuất. Nhiều dự án quy mô quá lớn so với yêu cầu, đáng lẽ làm nhỏ lại xin làm to…

Về khâu tổ chức thực hiện, ông Dũng cho rằng công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án chưa tốt, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại ngân sách trung ương; Đề xuất xin vốn xong rồi mới về lập dự án.Việc này dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần, điều chỉnh kế hoạch nhiều lần.

Ông Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) mà theo ông là "điểm nghẽn lớn nhất hiện nay" của các dự án nói chung, không phải chỉ có đầu tư công mà của tất cả các nguồn vốn hiện nay.

"Việc GPMB hiện nay được thực hiện thông qua thỏa thuận với người dân theo quy định của Nghị định 69. Tuy nhiên, người dân bao giờ cũng muốn đền bù cao trong khi Hội đồng định giá của tỉnh phải căn cứ vào tình hình dự án mặt bằng giá của địa phương để quyết. Muốn thống nhất được phải mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, sự phối hợp của các cơ quan ở trong địa phương rất kém, rất hạn chế. Những dự án của tư nhân họ muốn được việc thì họ thường nâng giá đền bù, GPMB lên làm phá vỡ mặt bằng chung của tỉnh, gây ách tắc so bì, kiện cáo kéo dài", Bộ trưởng KH&ĐT phân tích.

Ông Dũng thông tin, trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thanh toán quyết toán, hiện mới tập trung vào công tác phát hiện và xử lý vi phạm chứ chúng ta chưa tập trung vào việc hướng dẫn, nhắc nhở và cảnh báo sớm cho các chủ đầu tư.

Châu Như Quỳnh