Quy mô nợ công nhìn chung đang tiệm cận giới hạn được Quốc hội cho phép.
Báo cáo về tình hình quản lý nợ công, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục tái cơ cấu nợ công với trọng tâm là nợ trong nước. Theo đó, tỷ trọng nợ trong nước tăng dần từ mức 40% năm 2011 lên khoảng 60% năm 2017, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ năm 2017 cũng được tăng lên mức 12,74 năm, lãi suất phát hành bình quân giảm xuống còn 5,98%/năm, giúp làm giảm áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước.
Đến 30/6/2018 so với đầu năm, dư nợ bảo lãnh nước ngoài có xu hướng giảm; không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước; đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài gặp khó khăn, cơ bản đã tự trả được nợ, không phải ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, mặc dù các chỉ số an toàn nợ công vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, quy mô nợ công nhìn chung đang tiệm cận giới hạn được Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP). Điều này xuất phát chủ yếu từ áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh.
Trong khi đó, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và phải dần tiếp cận với các khoản vay nước ngoài kém ưu đãi, vay thương mại. Việc Chính phủ tập trung vào tăng tỷ lệ huy động vốn vay trong nước để chuẩn bị cho việc giảm tiếp cận các khoản vay ưu đãi nước ngoài sẽ khiến chi phí huy động cao hơn so với trước đây.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho hay, tổng thu ngân sách ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, chi ngân sách đạt tới 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng lưu ý, tổng trị giá chi trả nợ trong 6 tháng đầu năm của Chính phủ là 102.594 tỷ đồng gồm: trả nợ trong nước là 81.011 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài là 21.583 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2018.
Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung, công tác huy động vốn vay, trả nợ Chính phủ, công tác cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ bám sát Kế hoạch vay trả nợ năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Với kết quả thực hiện đến thời điểm báo cáo, dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn (chỉ tiêu nợ công trên GDP năm 2016 là 63,7%; ước thực hiện năm 2017 ở mức 61,4% và dự kiến đến cuối năm 2018 khoảng 61-62%)", báo cáo cho hay.
Phương Dung