Cụ thể, có một số cơ quan trung ương có tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0%, chưa tiêu được đồng vốn đầu tư công nào.
Hàng loạt bộ ngành giải ngân vốn đầu tư công chậm dưới 30% vốn kế hoạch được giao, một số nơi xin điều chuyển vốn
Văn phòng Trung ương Đảng được phân bổ 222,8 tỷ đồng nhưng mới chỉ thanh toán được hơn 1 tỷ đồng vốn trong 6 tháng qua.
Các bộ như Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%, Bộ Kế hoạch và đầu tư mới thanh toán được 74,8 tỷ đồng trong tổng số 1.108 tỷ đồng được giao, chiếm 6,75%, Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%.
Các bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân dưới 15% có Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước...
Bất ngờ nhất là các bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân cao là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tỉ lệ 100%, Hội Nhà văn 93,59%, tỉnh Hưng Yên 62%, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 61%...
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020.
Đáng chú ý, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề nghị hoàn trả lại ngân sách 1,6 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao.
Đặc biệt, theo văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) gửi Bộ Tài chính, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của Bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA, ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân.
Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỷ đồng.
Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng đều chuyển số vốn hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao cho bộ sang các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân.
An Linh