Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về quy định phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe.
Theo đó, về quy định gắn hộp đèn trên nóc xe đối với xe taxi, Bộ GTVT cho biết: Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ đang quy định Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi: “2. Xe có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe”.
Công văn của Bộ GTVT.
Công văn của Bộ GTVT cho rằng, đối với nội dung quy định tại dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐCP ngày 10/9/2014) qua 11 lần Bộ Giao thông vận tải đã trình đều có nội dung quy định xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe và quy định rõ thêm về kích thước tối thiểu đảm bảo nhận diện được tốt hơn. Theo nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo Nghị định thì xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12 x 30 cm.
"Đây là quy định chung cho tất cả các xe taxi, bao gồm: xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền (gọi tắt là taxi truyền thống) và xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (gọi tắt là taxi công nghệ)" - nội dung công văn của Bộ GTVT nhấn mạnh.
Taxi công nghệ và truyền thống đều phải có hộp đèn trên nóc xe.
Công văn của Bộ GTVT giải thích tiếp, khi đơn vị vận tải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thì dù là sử dụng phương pháp tính tiền theo phương pháp truyền thống (tính tiền bằng đồng hồ) hay phương pháp mới (tính tiền bằng phần mềm) đều phải chịu điều kiện kinh doanh chung như nhau để đảm bảo sự công bằng (trong đó có việc gắn hộp đèn).
Bộ GTVT cho rằng, nội dung trên là quy định đã và đang được thực hiện từ nhiều năm nay, cho đến hiện tại vẫn đang ổn định. Ngoài ra các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi trong quá trình tham gia góp ý đều cho rằng đây là quy định rất cần thiết để đảm bảo nhận dạng, chống xe hoạt động tàng hình, hoạt động chạy dù, đồng thời góp phần cho công tác tổ chức giao thông đô thị, phục vụ công tác tuần tra kiểm soát được tốt hơn.
"Nội dung quy định này kế thừa được những quy định đang thực hiện từ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và bổ sung nội dung quy định cho cái mới phát sinh (ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải taxi) từ đó tạo ra khung khổ pháp lý chung phù hợp với thực tiễn để doanh nghiệp vận tải tự lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh phù hợp với đơn vị mình,..." - nội dung công văn của Bộ GTVT cho biết.
Cũng liên quan đến nội dung trên, trước đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, Thiếu tướng Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 2 loại hình xe chở khách là xe Limousine chạy lòng vòng khắp thành phố để đón khách gây nên tắc đường; xe công nghệ như Grab do không gắn mào, chỉ có gắn tem và ký hiệu rất khó nhận biết. CSGT số lượng không nhiều mà còn phải lo điều tiết giao thông nên không thể “căng mắt ra” để phân biệt đâu là xe Grab, đâu là xe của người dân đi lại bình thường, dẫn đến những đoạn đường cấm loại xe này (xe Grab) nhưng tài xế vẫn đi vào mà CSGT rất khó phát hiện.
“Đã là xe chở khách phải có nhận diện cụ thể, rõ ràng, vì khi xảy ra các vụ việc hình sự như cướp thì chúng tôi căn cứ vào đó là những loại xe gì để thu hẹp diện điều tra lại, giúp cho cơ quan công an trong công tác quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài ra, đối với Sở GTVT đây cũng là hình thức để quản lý được những loại xe này, để xác định được trên TP Hà Nội có bao nhiêu xe chở khách. Chứ hiện nay các con số đều là “ảo”, chưa có đơn vị nào đưa ra con số chính xác loại xe kiểu như Grab đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, các số liệu đều ước tính” – Thiếu tướng Hải nhấn mạnh.
Nguyễn Dương