Fica
  1. Thời sự

Bộ Công Thương: Nhiều doanh nghiệp ô tô Việt lạc hậu, đi vào con đường các nước đã bỏ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi vào con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ, đó là xu hướng tự cung tự cấp hoặc độc quyền, khép kín trong sản xuất ô tô.

Bộ Công Thương: Nhiều doanh nghiệp ô tô Việt lạc hậu, đi vào con đường các nước đã bỏ - 1

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: N.Mạnh

Giá xe Việt Nam sản xuất vẫn đắt đỏ hơn khu vực

Phát biểu tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ 2019 tổ chức sáng nay (28/11), ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Theo vị này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Đáng lưu ý, sau vài chục năm phát triển, lãnh đạo Cục Công nghiệp thừa nhận rằng ngành sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự.

“Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Cũng theo vị này, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi của Việt Nam đang “hụt hơi” khi thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Trong khi, mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 thì đến nay, con số đạt được thực tế chỉ ở mức 7-10%!?!

Đáng lưu ý, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng thông tin: Nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi vào con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ, đó là xu hướng tự cung tự cấp hoặc độc quyền, khép kín trong sản xuất ô tô.

“Các chuỗi cung ứng nội bộ từng công ty đang được hình thành nhưng chủ yếu dưới dạng công ty mẹ, số thành viên trong chuỗi còn rất ít, chưa phát triển thành các mạng sản xuất dưới dạng công ty độc lập có quan hệ hợp tác kinh doanh dựa trên hợp đồng dài hạn”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Ngành công nghiệp ô tô Việt còn sử dụng công nghệ lạc hậu

Nhận xét về ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, nhìn chung còn phân tán rời rạc, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các nhà lắp ráp và các nhà cung ứng.

Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ và lắp ráp ô tô, giữa các doanh nghiệp trong nước với các “ông lớn” FDI còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước đa số là mới thành lập, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động phát triển các cơ sở công nghiệp hỗ trợ, thu hút vệ tinh.

“Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa tạo dựng được niềm tin thực sự đối với các doanh nghiệp FDI về khả năng cung ứng các linh kiện phục vụ lắp ráp ô tô”, ông Phạm Tuấn Anh giải thích thêm.

Cũng theo vị này, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này không có khả năng hoặc rất khó đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu, thời gian giao hàng từ phía doanh nghiệp nước ngoài.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu nên giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp nên các doanh nghiệp lắp ráp ô tô thường tìm nguồn cung linh kiện từ nước ngoài.

Tham luận tại diễn đàn có nhiều góp ý đáng chú ý từ phía các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Trong đó, đại diện đến từ Toyota Việt Nam đã lên tiếng giải thích rõ hơn vì sao giá ô tô Việt Nam còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, vị này cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp tô tô Việt Nam là quy mô thị trường còn quá nhỏ bé, số lượng thấp. Điều này làm chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao.

Thêm vào đó, do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện CKD để sản xuất ô tô. Điều này dẫn đến các chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu.

Đại diện Toyota nhấn mạnh, doanh nghiệp rất cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ sản xuất xe CKD sản xuất trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc về 0% kể từ năm 2018.

Nếu không được hỗ trợ, vị này cho rằng, doanh nghiệp sẽ chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, ngành sản xuất trong nước đối mặt với sống còn.

Góp ý kiến tại diễn đàn, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Thaco cũng kiến nghị Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%.

Nguyễn Mạnh

Bộ Công Thương: Nhiều doanh nghiệp ô tô Việt lạc hậu, đi vào con đường các nước đã bỏ - 2