Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Quang Tiến cho biết TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chuyển bản án có hiệu lực pháp luật của ông Đinh La Thăng và 6 bị cáo trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) tới Cục Thi hành án dân sự Hà Nội để thực hiện thu hồi tài sản, thi hành án phần dân sự.
“Khó khăn lớn nhất với cơ quan thi hành án trong quá trình thu hồi tài sản là ông Đinh La Thăng không bị kê biên tài sản nào”- ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, trước mắt cơ quan thi hành án sẽ tiến hành xác minh thông tin về nhà đất trước đây ông Đinh La Thăng sinh sống tại Khu đô thị Sông Đà-Sudico (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho hay, việc thu hồi tài sản trong bản án này phải chờ đơn yêu cầu của phía bị hại là PVN. Đến nay PVN chưa gửi đơn yêu cầu.
Tại phiên tòa phúc thẩm vào chiều 26/6 vừa qua, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án với 6 bị cáo, trong đó Đinh La Thăng lĩnh 18 năm tù. Riêng bị cáo Phan Đình Đức được giảm từ 15 tháng cải tạo không giam giữ xuống mức cảnh cáo.
Ngoài ra, tòa tuyên ông Đinh La Thăng và 5 bị cáo khác phải bồi thường 785 tỷ đồng cho PVN. Trong đó, ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ, ông Ninh Văn Quỳnh - nguyên Phó tổng giám đốc PVN bồi thường 100 tỷ, Vũ Khánh Trường- nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN bồi thường 40 tỷ, Nguyễn Xuân Sơn- nguyên Tổng giám đốc PVN bồi thường 15 tỷ đồng.
Với bản án 18 năm tù, cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng hợp hình phạt của bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù. Tổng số tiền ông Đinh La Thăng phải bồi thường trong hai vụ án này trên 600 tỷ đồng.
Thế Kha