Đó là kết quả thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025.
Về dự toán NSNN năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng thu 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng.
Do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021, GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%. Theo đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên.
Bất cập thu nhập: Nơi tăng gấp 3, chỗ chẳng thêm đồng nào
Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu tổng hợp về dự toán NSNN năm 2021 và đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn, vì quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp có liên quan đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Nêu kết quả thẩm tra báo cáo nói trên trước Quốc hội, Ủy ban TCNS dẫn một số kiến nghị của Chính phủ trong dự toán NSNN năm 2021, đáng chú ý là việc thực hiện cơ chế tài chính đặc thù.
Cụ thể, theo Ủy ban TCNS, nhiều cơ quan, đơn vị được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù có mức thu nhập tăng thêm từ 1,8 - 3 lần so với mặt bằng chung, tạo ra sự bất hợp lý và không công bằng trong phân phối thu nhập.
Bên cạnh đó, Ủy ban TCNS cũng chỉ ra rằng một số cơ quan có nguồn kinh phí còn dư khá cao, có dư địa bố trí bổ sung dự toán chi năm 2021.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu tiết kiệm giảm tối thiểu 20-25% so với dự toán chi năm 2020; đồng thời, có cơ chế kiểm soát thu nhập tăng thêm không quá 50% mức tiền lương ngạch, bậc theo quy định hiện hành để bảo đảm công bằng hợp lý giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị” - Ủy ban TCNS cho hay.
Theo đề nghị của Chính phủ, năm 2021 sẽ chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như một số vấn đề cấp bách khác.
Về việc này, đa số ý kiến Ủy ban TCNS cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.
Trong báo cáo của Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết để thực hiện Đề án đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ủy ban TCNS nhận thấy, từ năm 2007 nguồn thu này được sử dụng 60% để đầu tư cơ sở vật chất ngành giáo dục, 40% xây dựng cơ sở y tế. Đến nay đã thực hiện gần 13 năm, nhưng chưa có đánh giá tổng kết, chưa rõ hiệu quả sử dụng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết đánh giá và kiến nghị cơ cấu lại việc sử dụng nguồn thu này.
Cơ quan TCNS của Quốc hội cũng nêu rõ việc thẩm tra, đánh gia đề nghị của Chính phủ cho phép loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Ủy ban TCNS cho biết, trong năm 2020, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã cho phép loại trừ 8 khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện dành để tạo nguồn cải cách tiền lương. Việc sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cũng đã có một số nhiệm vụ chi cụ thể, do đó cơ quan này thống nhất với đề nghị của Chính phủ.
Châu Như Quỳnh