Đó là ý kiến của bà Mai tại cuộc họp chuyên đề Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại được tổ chức vào chiều nay (19/7).
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc ban hành 143 thủ tục từ nay đến hết năm là hết sức tham vọng. (Ảnh: Tuyết Nga) |
Cụ thể, theo dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đến hết năm 2019, mục tiêu là triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.
Thêm nữa, đến hết năm 2020, phải hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Có nghĩa là, hết hết năm 2018 này, 143 thủ tục phải được ban hành để đạt được những mục tiêu trên.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, bà Mai cho biết rằng, 143 thủ tục này là dự kiến ban hành từ nay đến cuối năm theo báo cáo đăng kí của các bộ ngành để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Cộng với 53 thủ tục đã được ban hành trước đó là 196 thủ tục, đạt 78% so với mục tiêu tổng thể đến 2020.
“Từ nay đến cuối năm mà mục tiêu là 143 thủ tục trong khi từ trước đến nay mới đạt được 53 thủ tục thì quả thực cũng hết sức tham vọng, rất đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực quyết tâm của tất cả các bộ ngành mới có thể thực hiện được trong năm nay”, bà Mai nói.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, không phải bây giờ mới bắt đầu triển khai mà từ đầu 2018 đã thực hiện rồi.
Lấy ví dụ, bà Mai cho biết, như bộ Giao thông vận tải với gần 60 thủ tục đã được triển khai thì trong khoảng tháng 7, tháng 8 này, một loạt các thủ tục khác cũng sẽ được triển khai.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính và Tổng Cục Hải quan cũng đã bàn bạc về mặt công nghệ thông tin để chuẩn bị thực hiện mục tiêu này.
“Cho nên, nếu các Bộ cố gắng nỗ lực dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì chúng tôi sẽ nỗ lực cố gắng cùng với các bộ ngành triển khai thực hiện để đảm bảo thực hiện”, ông Bình nói.
Ngoài ra, bà Mai cũng nhận định rằng, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song kết quả triển khai vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Cụ thể, số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi chỉ đạt 53/284 thủ tục.
Thêm nữa, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, sô lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, hiệu lực hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp, chồng chéo và trùng lặp, phí kiểm tra một số mặt hàng xuất nhập khẩu còn cao,…
Trước đó, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại được triển khai chính thức từ tháng 11/2014. Đến ngày 10/6/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Hồng Vân