Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh kiểm soát vay qua ứng dụng
Thời gian qua, hoạt động cho vay thông qua các nền tảng công nghệ phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều nước nói chung và tại Việt Nam nói riêng, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (vay qua ứng dụng). Cho vay ngang hàng là mô hình kinh doanh mới được xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.
Tuy nhiên, hoạt động cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro; đặc biệt gần đây một số đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen… núp bóng, trá hình, thông qua hình thức biến tướng của cho vay ngang hàng để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Vay qua ứng dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và yêu cầu quản lý đối với hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng của một số công ty trên địa bàn thành phố Hà Nội và TPHCM. Ngoài ra, NHNN đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (bao gồm hoạt động cho vay ngang hàng).
Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng. Bởi hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Người dân nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.
Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD) và Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT), Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị TCTD, TGTT thận trọng trong ký kết, thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng. Các tổ chức này cần thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra để đảm bảo việc thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của TCTD, TGTT, cũng như uy tín, an toàn của hệ thống ngân hàng.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tác này, TCTD, TGTT phải ngừng ngay việc hợp tác dưới mọi hình thức và tiến hành các thủ tục thanh lý các hợp đồng, thỏa thuận đã ký. Đồng thời, TCTD, TGTT phải báo cáo cơ quan chức năng và các bên liên quan để có giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế rủi ro có thể phát sinh…
Những lời đe dọa đến người thân, gia đình.
Trong quá trình giao dịch, hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng, cần phải công bố đầy đủ, minh bạch, trung thực các thông tin về nội dung hợp tác, giao dịch giữa công ty cho vay ngang hàng với TCTD, TGTT trong tất cả các thông điệp và phương tiện quảng cáo, truyền thông, bán hàng mà công ty cho vay ngang hàng truyền tải đến người tiêu dùng và các bên có liên quan.
Không những vậy, TCTD, TGTT thường xuyên theo dõi việc công bố thông tin về quan hệ hợp tác giữa công ty cho vay ngang hàng với TCTD, TGTT để kịp thời phát hiện thông tin được công ty cho vay ngang hàng công bố không chính xác, không đầy đủ, có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng và các bên có liên quan (nếu có) để có giải pháp xử lý phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Công an nói gì về vay qua ứng dụng?
Đề cập đến vấn nạn vay tín dụng đen qua mạng Internet, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng cho biết: Hiện nay, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhưng rõ ràng tình hình tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, vì phạm vi giữa dân sự và hình sự ở đây khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lãi thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý của cả bên vay và bên cho vay. Nhưng đi quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu phạm tội hình sự thì mới là phạm vi xử lý hình sự.
"Gọi là mức lãi suất cao chưa chắc đã là vi phạm về hình sự, vì do 2 bên thỏa thuận với nhau. Vì vậy, trong xử lý về tín dụng đen cũng có những khó khăn, vướng mắc về hình sự", Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.
Về lĩnh vực ngân hàng, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Hoặc là sẽ xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng internet.
Thế Hưng