Fica
  1. Thời sự

  2. Đầu tư

30 năm thu hút FDI: Họ mang vốn, công nghệ vào rồi tự xuất khẩu thì người Việt được gì?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chuyên gia chỉ ra rằng, kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hiện rất yếu, hay nói cách khác việc tận dụng nguồn vốn FDI mang lại chưa cao. Điều này mang lại hệ quả là tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam yếu, công nghiệp phụ trợ hạn chế, hiệu quả của FDI từ đó cũng hạn chế…

Trải qua hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có thể nói, FDI trở thành khu vực kinh tế rất quan trọng của kinh tế Việt Nam. Dưới góc độ một đơn vị tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn đã có một số chia sẻ với PV Dân trí xung quanh câu chuyện này.

"Tham gia vào chuỗi giá trị, mình chưa được nhiều"

Trải qua 30 năm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông đánh giá như thế nào về những mặt thành công mà Việt Nam đã đạt được?

Nói về mặt được, 30 năm qua, FDI đã có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đây cũng là kết quả của hội nhập nhưng góp phần tăng cường hội nhập có chiều sâu hơn.

Nói về đóng góp cụ thể, ở thời điểm 1987, đặc biệt là những năm 1990, 1991, kinh tế Việt Nam rất khó khăn, GDP sụt giảm mạnh chỉ còn hơn 100 USD/người/năm. Nhưng cho tới nay, cùng với những yếu tố khác được cải thiện, FDI đã góp phần đưa GDP tăng lên trên 2000 USD/người/năm. Đấy là bước tiến lớn.

FDI cũng góp phần giải quyết vấn đề việc làm. Thời điểm 30 năm trước, Việt Nam có thể nói là dư thừa lao động rất nhiều nhưng FDI vào đã giải quyết được bài toán này. Cùng với đó, FDI đưa vào luồng vốn có chất lượng hơn, có công nghệ và năng lực quản lý để thông qua đó vừa phát triển công nghệ, vừa phát triển nhân lực, vừa là động lực để cho doanh nghiệp Việt Nam noi theo.

Ngoài ra, lợi trực tiếp thấy được là thu ngân sách từ thuế, lương và việc làm cho người lao động rồi xuất khẩu. FDI góp phần làm giảm siêu lớn, hiện họ chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Bản thân FDI cũng gây hiệu ứng, sức ép, mục tiêu cho hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn chỉnh hơn, thúc đẩy hạ tầng.

Vậy còn điểm hạn chế thì sao, thưa ông?

Dĩ nhiên, bên cạnh đó có những mặt tiêu cực, ví dụ như chuyển giá, tranh chấp lao động, ô nhiễm môi trường, tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp…

Đặc biệt, kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hiện rất yếu, hay nói cách khác việc tận dụng nguồn vốn FDI mang lại chưa cao. Điều này mang lại hệ quả là tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam yếu, công nghiệp phụ trợ hạn chế, hiệu quả của FDI từ đó cũng hạn chế…

Mục tiêu đặt ra cho FDI là hiệu quả, trực tiếp là thu được bao nhiêu? Mình đóng góp được bao nhiêu trong tổng giá trị xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ phát triển như thế nào, nhân lực phát triển ra sao? Đấy là hiệu quả trực tiếp của FDI bên cạnh cải thiện thể chế, hạ tầng, môi trường đầu tư.

Vậy FDI mang công nghệ, vốn vào rồi họ xuất khẩu thì người Việt Nam được gì ngoài thu được thuế, việc làm, lương, cung cấp một số dịch vụ…? Thực sự, tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá đó, mình không được nhiều. Nhiều chương trình hiệu quả thấp. Ví dụ như công nghiệp phụ trợ đã đề cập tới mấy chục năm nay rồi, dù 2 năm gần đây phát triển tốt hơn nhưng vẫn chậm hơn so với kỳ vọng. Nếu so với các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc, việc tận dụng nguồn vốn FDI của Việt Nam có hiệu quả thấp hơn.

Việt Nam chưa hấp dẫn với nguồn vốn chất lượng cao

Theo ông, đâu là những nút thắt rõ ràng nhất trong việc thu hút FDI tại Việt Nam trong thời gian qua?

Ở đây có thể thấy có một số điểm nên đặt vấn đề kĩ hơn.

Thứ nhất, là đầu tư vào nông nghiệp, hiển nhiên người ta cảm nhận khi FDI vào sẽ hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng phải nói rằng, đầu tư vào nông nghiệp 30 năm qua không tăng mà còn giảm. Nói về giá trị tuyệt đối hầu như không tăng, tỷ lệ thì giảm rõ rệt, đầu tiên chiếm 3-4% tổng vốn đầu tư nhưng sau đó, có năm còn không phẩy mấy %, vài năm trở lại đây bình quân chỉ chiếm 1%.

Điều này nói lên rằng, môi trường đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam có vẻ không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Về nguyên nhân có thể FDI còn ngại các vấn đề về tiếp cận đất đai, quan hệ với nông dân, doanh nghiệp, tuyển dụng lao động, kí kết hợp đồng cung ứng, chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hàng giả hàng nhái... Đấy là còn chưa kể chính sách ưu tiên nông nghiệp vào mức độ nào.

Những điều đó làm cho đầu tư vào nông nghiệp kém hấp dẫn. Có nhiều giải pháp đã bàn bạc nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa phát triển được. Nhưng rất may hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước nhìn ra cơ hội và đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này, họ bước đầu đã có thành công.

Thứ hai, nguồn vốn rất chất lượng từ EU, Mỹ không xứng tầm với quan hệ thương mại, quan hệ xã hội, kinh tế, chính trị với Việt Nam. Điểm lại 28 nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam mới chỉ được hơn 20 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, thậm chí Đài Loan…

Những nước đó họ đầu tư ra nước ngoài đâu ít, như Đức đầu tư ra nước ngoài mỗi năm 100 tỷ USD, Pháp hơn 80 tỷ USD, Anh cũng rất lớn. Vậy tại sao cả EU 28 nước, trong đó riêng Hà Lan chiếm 8 tỷ USD… chỉ đầu tư từng đó vào Việt Nam? Điều đó nói lên môi trường đầu tư của Việt Nam có vẻ không hấp dẫn với nhóm nhà đầu tư này.

Tương tự như Mỹ, mỗi năm đầu tư hơn 300 tỷ USD ra nước ngoài nhưng đầu tư vào Việt Nam mới chỉ khoảng 10 tỷ USD. Rõ ràng, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam rất nhỏ so với tiềm lực.

Những điều trên cho thấy, có vẻ như môi trường đầu tư của Việt Nam không hấp dẫn với nguồn vốn có chất lượng từ các nước có trình độ công nghệ cao, công nghệ nguồn, hệ thống quản lý tiên tiến và pháp luật minh bạch.

Dĩ nhiên là có thể có những nguồn khác qua thiên đường thuế, Singapore, Hongkong... nhưng danh chính ngôn thuận vẫn ít.

Hai điểm đó cho thấy hai nút trong đầu tư nước ngoài cần khai thông, nếu giải quyết được, chúng ta sẽ chọn lọc tốt hơn nguồn vốn chứ không phải thu hút bằng mọi giá nữa.

Ông nhắc tới những nguồn vốn chất lượng cao từ châu Âu, từ Mỹ rất nhiều. Vậy, đánh giá của ông về dòng vốn Trung Quốc ra sao khi nhà đầu tư này trong 2 năm trở lại đây đang đẩy mạnh đầu tư vào một số nước, trong đó có Việt Nam?

Một số tỉnh, địa phương họ khá là e ngại với nguồn vốn Trung Quốc. Nhiều tỉnh hiện không còn nhiều dự án đầu tư nên muốn thu hút nguồn vốn tốt hơn, do đó, họ cũng không muốn tiếp các nhà đầu tư Trung Quốc.

Gần đây họ nổi lên là nhà đầu lớn vào Việt Nam thay vì chỉ muốn đến bán hàng như trước đây. Đó là thay đổi đường lối của Trung Quốc, họ muốn thắt chặt kinh tế hơn với Việt Nam. Điều này cũng tốt thôi nhưng vấn đề phải hết sức chọn lọc về công nghệ, về môi trường. Đặc biệt là hậu kiểm phải làm tốt, họ vào làm ăn rồi nhưng phải có chính sách, luật pháp rõ ràng về môi trường, làm sai thì phải bị nhắc nhở phạt, phạt nhiều lần thì bị đình chỉ.

Thực ra các đoàn Trung Quốc sang mình cũng nói là chúng tôi cũng hoan nghênh nhưng vấn đề là các anh phải lấy lại hình ảnh bởi vì hình ảnh vừa rồi của các anh hơi bị xấu.

Nguồn vốn chất lượng hay không thì phải kiểm soát chặt về công nghệ, về môi trường và về phát triển nhân lực. Ví dụ hàng hoá xuất nhập khẩu, hải quan có 3 luồng hàng: luồng xanh dành cho doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm chỉnh, hàng hoá ra vào không cần kiểm soát; luồng vàng là bình thường, đỏ là vi phạm rất nhiều lần rồi.

Nhà đầu tư cũng cần thế, chính sách là chung nhưng với từng nhà đầu tư làm sao để kiểm soát, đưa lại hiệu quả của FDI trên tất cả các lĩnh vực. Với ông nào mà từ xưa đến nay chấp hành không nghiêm, đưa công nghệ ô nhiễm vào Việt Nam, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ thì rõ ràng phải kiểm soát chặt hơn so với các ông từ ngày trước đến nay chấp hành tốt.

Đấy là phân biệt đối xử, hàng rào kĩ thuật mà mình được phép làm chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tất cả phải đặt lên bàn cân để chọn lọc nhà đầu tư chứ không phải cứ lấy số lượng, cứ nhiều là được.

Phương Dung ghi