Đồng loạt bán "cô gái đẹp", "gà đẻ trứng vàng"
Hôm qua (25/8), SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG Nhật Bản.
Đại diện SHB cho biết, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, ngân hàng sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng phía SHB cho biết thỏa thuận sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng. Trong khi đó, đại diện của Krungsri từng chia sẻ với tờ Nikkei Asia cho biết ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Vinh - Giám đốc Khối Ngân hàng số, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB Finance (tại Việt Nam) và ông Seiichiro Akita - Chủ tịch kiêm CEO Krungsri (tại Thái Lan) ký thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn SHB Finance.
Đầu quý II vừa qua, VPBank đã bán thành công 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD (tương đương với số tiền mà VPBank có thể thu về gần 32.000 tỷ đồng).
Không chỉ SHB, VPBank, nhiều ngân hàng Việt cũng đã bán hoặc lên kế hoạch bán vốn, thậm chí thoái toàn bộ vốn tại các công ty tài chính. Trong đó, MB, HDBank bán 49% vốn còn Techcombank bán 100%; đối tác chủ yếu là định chế tài chính đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Như vậy, thương vụ của SHB có thể là thương vụ mua bán công ty tài chính tiêu dùng có giá trị cao thứ hai tại Việt Nam (sau VPBank). Techcombank từng bán 100% công ty tài chính Techcombank Finance năm 2017 nhưng ước tính chỉ thu về được 1.700 tỷ đồng.
Đề cập tới thương vụ chuyển nhượng 100% vốn SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB - cho hay, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam giàu tiềm năng và dư địa tăng trưởng lớn. SHB Finance là một "cô gái đẹp", có sức khỏe tài chính lành mạnh. SHB Finance sau hơn 3 năm hoạt động đã phủ rộng tại thị trường 46 tỉnh, thành phố; có gần 300.000 khách hàng vay và được Moody's xếp hạng tín nhiệm B3 - triển vọng "ổn định".
Còn theo ông Seiichiro Akita - Chủ tịch kiêm CEO Krungsri - thì chính kinh nghiệm và mạng lưới rộng khắp Việt Nam của SHB cùng với sức mạnh của Krungsri trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ cộng hưởng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh của SHB Finance. "Sự kiện quan trọng này cũng nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với Chiến lược mở rộng thị trường ASEAN theo kế hoạch kinh doanh trung hạn trong giai đoạn 2021-2023", ông Seiichiro Akita nói.
Còn với VPBank, trước việc bán thành công 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF), dư luận từng đặt câu hỏi liệu có phải "gà đẻ trứng vàng" đã hết thời? Lãnh đạo VPBank cho biết thương vụ này không có nghĩa VPBank từ bỏ "gà đẻ trứng vàng" mà vẫn tiếp tục coi tài chính tiêu dùng là một trong 3 trụ cột chiến lược quan trọng của ngân hàng.
Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư gần đây, chia sẻ lý do lựa chọn SMBC là đối tác chiến lược của FE Credit, lãnh đạo VPBank cho hay, SMBC là tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. SMBC cũng là ngân hàng có hoạt động tài chính tiêu dùng chuyên nghiệp, rất thành công. Bản thân SMBC cũng có công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất tại Nhật Bản và hoạt động tài chính tiêu dùng hiệu quả ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan… Bởi vậy việc VPBank lựa chọn SMBC sẽ giúp FE Credit giữ vững và gia tăng vị thế hàng đầu.
Ước tính năm 2022, FE Credit sẽ đạt lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, năm 2023 có mức tăng trưởng lợi nhuận 80% và duy trì tốc độ tăng trưởng này tới năm 2025. "Dù chỉ còn sở hữu 50% vốn tại FE Credit, VPBank sẽ tiếp tục sở hữu nguồn lợi nhuận khổng lồ do công ty này mang lại", lãnh đạo VPBank kỳ vọng.
Phản ánh câu chuyện thị trường
Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần từng có ý định mua công ty tài chính để chuyên biệt hóa mảng kinh doanh này cho biết, việc phát triển công ty tài chính bền vững, hiệu quả, mà an toàn là không dễ dàng. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay lại càng khó khăn hơn nên ngân hàng tạm thời dừng ý định tìm mua công ty tài chính.
Tại họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của MSB mới đây, trả lời cổ đông về kế hoạch bán vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc, cho hay, năm 2020, MSB ký kết hợp đồng bán 50% vốn FCCOM cho Hyundai Card. Toàn bộ quá trình chuyển đổi, đánh giá đã gần như kết thúc.
Tuy nhiên, cuối năm 2020, do Covid-19, các cổ đông lớn của Hyundai lại chuyển hướng kinh doanh nên không hoàn thành thương vụ này, phía Hyundai cũng đã bồi thường một phần cho MSB.
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - việc các ngân hàng rao bán công ty tài chính hiện nay tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong mỗi giai đoạn, phản ánh đúng câu chuyện của thị trường. Có thể thời điểm này, trước tác động khó khăn từ dịch bệnh, ngân hàng muốn cơ cấu lại hoạt động theo hướng tinh gọn hơn, dành nguồn lực tài chính cho những lĩnh vực cốt lõi đang cần vốn đầu tư nhiều hơn.
"Thị trường có thể trải qua những giai đoạn khác nhau, sau những trục trặc, biến động lớn hoặc phát triển lớn thì cái nhìn về đầu tư kinh doanh cũng có những thay đổi", ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam là khá lớn. Có thể khi kinh tế hồi phục sau thời kỳ hậu Covid-19, thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng tiếp tục tăng.
Tại Việt Nam hiện có 16 công ty tài chính được cấp phép và đang hoạt động. Trong đó có 6 công ty là thành viên của ngân hàng thương mại, bao gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) của VPBank; Công ty tài chính TNHH HD Saison của HDBank; Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance); Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) của MB; Công ty tài chính bưu điện của SeABank và Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB.
Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Năm nay, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.
Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước đã nhiều lần hé lộ kế hoạch "săn tìm" và mua lại công ty tài chính. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường tài chính của một quốc gia dưới hình thức công ty con 100% vốn cũng không phải việc dễ dàng do cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn. Do vậy, họ thường tìm các công ty tài chính kinh doanh bài bản, nền tảng khách hàng tốt, mạng lưới hoạt động rộng để mua, thay vì phải bắt tay tự làm từ đầu, vừa mất nhiều thời gian, vừa khó khăn trong khâu vận hành, thích nghi văn hóa bản địa.
Nguyễn Hiền