Fica
  1. Tài chính ngân hàng

  2. Thị trường

VPBank bán 15% vốn cho Sumitomo Mitsui, thu gần 36.000 tỷ đồng

Thảo Thu
Thảo Thu

Vốn chủ sở hữu của VPBank tăng từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) thông báo đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản - thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. SMBC là tập đoàn tài chính ngân hàng tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Trước đó, vào tháng 4/2021, nhà băng này cũng đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn SMBC để bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit, giá trị thương vụ gần 1,4 tỷ USD.

SMBC trước đó là cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007. Sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở thượng tầng Eximbank, SMBC rút đại diện khỏi nhà băng từ cuối 2019. Tháng 2/2022, Eximbank chính thức dừng hợp tác liên minh chiến lược với SMBC theo đề nghị của quỹ ngoại này. Giữa tháng 1 vừa rồi, SMBC thông báo đã bán thỏa thuận 10,8% vốn Eximbank cho nhà đầu tư trong nước, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 4,27%.

Đến cuối 2022, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt hơn 21.200 tỷ đồng, tăng mạnh gần 50%, đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng về lợi nhuận hợp nhất. Tổng tài sản ngân hàng ước tính xấp xỉ 27 tỷ USD.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của nhà băng này tăng mạnh từ 4,57% lên 5,73% vào cuối 2022, do nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,5 lần lên 7.160 tỷ đồng. Nợ cần chú ý (dư nợ chưa vào diện nợ xấu nhưng bị chậm trả đến 90 ngày) cũng tăng hơn 40% lên 23.800 tỷ đồng. Đến hết 2022, dư nợ tín dụng hợp nhất của ngân hàng tăng 23% so với đầu năm lên 471.230 tỷ đồng (gồm cả trái phiếu), tiền gửi khách hàng tăng hơn 25% lên hơn 303.000 tỷ.

Thảo Thu