Chiều 31/7, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, luật sư và đại diện các ngân hàng: BIDV, TPBank và Sacombank đều đưa ra các ý kiến phản đối việc đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng trả về cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
6.126 tỷ đồng không được coi là vật chứng vụ án
Theo Luật sư bào chữa cho BIDV - ông Nguyễn Huy Thiệp, Văn phòng luật sư Nguyễn Huy Thiệp và cộng sự - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Số tiền hơn 6.126 tỷ đồng (trong đó có hơn 2.550 tỷ đồng từ BIVD) mà cáo trạng đã nêu thực chất là giá trị thiệt hại được tính bằng tiền VNĐ.
Do đó, nó không thể là vật chứng của vụ án. Mặt khác, số tiền hơn 2.550 tỷ đồng đã được BIDV hoàn trả cho VNCB và hòa vào dòng tiền chung của VNCB, không thể tách riêng được. Và “dòng tiền” càng không thể là vật chứng của vụ án vì nó cũng không đáp ứng các đặc điểm được quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 nêu trên.
Phạm Công Danh bị đề nghị 30 năm tù.
Đề cập tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự theo quy định, luật sư của BIDV cho rằng, trên thực tế, số tiền 4.000 tỷ/4.700 tỷ được BIDV giải ngân đã quay về tài khoản của VNCB để chờ tăng vốn điều lệ. Bản chất vấn đề là Phạm Công Danh đã lợi dụng BIDV để rút tiền của chính VNCB nhằm mục đích tăng vốn điều lệ trái pháp luật.
Như vậy, bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm là lãnh đạo, nhân viên của VNCB đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gây thiệt hại cho chính ngân hàng của mình là VNCB (nơi bị cáo Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT); giữa hành vi vi phạm của Phạm Công Danh và hậu quả thiệt hại của VNCB có mối quan hệ nhân quả. Hơn nữa, chính bị cáo đã sử dụng số tiền trên cho mục đích của bị cáo (tăng vốn điều lệ cho VNCB). Do vậy, căn cứ Khoản 1 Điều 48 BLHS năm 2015 nêu trên thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền 2.550.972.500.888 đồng trong vụ án này không thuộc về BIDV. Việc VKS đề nghị thu hồi số này từ BIDV là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý.
Nếu thu hồi sẽ tạo ra tiền lệ xấu
Theo luật sư đại diện cho Sacombank, các hợp đồng tín dụng, cầm cố tài sản đảm bảo giữa ngân hàng này và VNCB đều có giá trị pháp lý đầy đủ. Sacombank cũng không có vi phạm trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến thiệt hại của VNCB.
Do đó, luật sư nếu quan điểm việc yêu cầu thu hồi từ VKS là không khách quan, ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông, khách hàng và sự ổn định hoạt động của ngân hàng. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) lưu ý đến kiến nghị của Hiệp hội ngân hàng đã gửi tới phiên tòa hồi đầu tháng 1.
Trích dẫn điều 9 Bộ Luật hình sự 2015 cho rằng tất các pháp nhân có quyền bình đẳng trước pháp luật, luật sư đề nghị HĐXX có phán quyết công bằng cho Sacombank. Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét tuyên không thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng, trong đó có 1.800 tỷ đồng từ Sacombank.
Đại diện Sacombank trước phiên tòa cũng đề nghị HĐXX không chấp thuận quan điểm thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng.
Theo vị đại diện này, việc thu hồi sẽ tạo ra tiền lệ xấu là ngân hàng phải chứng minh nguồn gốc tiền gửi, quy định về cho vay phải xem xét lại các căn cứ của HĐQT, pháp nhân vay tiền. Đồng thời, một tiền lệ xấu khác xảy ra là nếu HĐQT và pháp nhân vay tiền vi phạm pháp luật thì tổ chức tín dụng cho vay sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Các giao dịch đều hợp pháp
Luật sư đại diện cho TPBank cũng đồng tình quan điểm không thể thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng trả lại cho VNCB. Trong vụ việc tại TPBank, các giao dịch tiền gửi, hợp đồng tín dụng, cầm cố giữa VNCB và TPBank đều hợp pháp. Khoản tiền 1.667 tỷ đồng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của TPBank nên đề nghị thu hồi là không có cơ sở.
Ngoài ra, việc VNCB mở hợp đồng tiền gửi 3 tháng tại TPBank là đúng pháp luật. Kết luận giám định của NHNN về hợp đồng này cũng khẳng định hợp pháp. Tại thời điểm VNCB gửi tiền tại TPBank, ngân hàng này chưa thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Luật sư nói đại diện VKS cho rằng 6.126 tỷ đồng là vật chứng vụ án, yêu cầu thu hồi nhưng không đủ cơ sở pháp lý chứng minh. Cũng tại cáo trạng, VKS nhận định hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB. Vì vậy, thiệt hại ở VNCB là hệ quả tất yếu từ hành vi làm trái của cá nhân Phạm Công Danh chứ không hề liên quan đến TPBank.
Luật sư đề nghị xem xét số tiền 1.667 tỷ đồng sau khi được Phạm Công Danh rút ra đang do tổ chức, cá nhân nào nắm giữ thì thu hồi, trả lại cho VNCB để làm căn cứ khắc phụ vụ án; xem xét công nhận giá trị pháp lý các hợp đồng tiền gửi giữa các ngân hàng, pháp nhân với ngân hàng này.
An Hạ - Mạnh Tú