“Dụ” khách hàng bằng mức phí thấp
Giữa bối cảnh công nghệ tài chính (Fintech) đang phát triển mạnh tại Việt Nam, hiện nay thị trường đã xuất hiện đủ hình thức trung gian thanh toán từ ví điện tử, cho đến cho vay ngang hàng, thanh toán di động… Trong đó, mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối các nhà đầu tư với cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Sự phát triển mạnh của công nghệ khiến hoạt động chuyển tiền thông qua các trung gian thanh toán chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay, bao gồm cả chuyển tiền xuyên biên giới, đồng thời là xu hướng phù hợp với định hướng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ khuyến khích.
Một ứng dụng cho vay tiền quảng cáo, mời chào trên mạng
Tuy nhiên đáng chú ý, hiện nay tại Việt Nam đang xuất hiện một số cổng trung gian thanh toán cho dịch vụ P2P Lending do các đơn vị nước ngoài triển khai chưa có giấy phép và áp mức phí giao dịch thấp hơn, nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh với các cổng trung gian thanh toán đã được cấp phép trong nước.
Lấy ví dụ cụ thể, có thể kể đến một số ứng dụng như Vayvay, Vayfast, 365vay, Deevay... (cung cấp qua kho ứng dụng Google Play hoặc AppStore) đang bắt tay với cổng trung gian thanh toán không phép hoạt động. Khi thanh toán khoản vay, nhiều ứng dụng hướng dẫn khách hàng thanh toán online qua cổng có tên gọi là FunPay, đồng thời sau khi xác thực giao dịch cần nhập thông tin người thụ hưởng là “Công ty TNHH Công nghệ FunMobi Việt Nam”.
Người vay được hướng dẫn cách thức thanh toán qua FunPay. Ảnh chụp màn hình giao dịch.
Trong hướng dẫn giao dịch hiển thị công ty thụ hưởng là “Công ty TNHH Công nghệ FunMobi Việt Nam”. Ảnh chụp màn hình giao dịch.
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, FunPay là cổng trung gian thanh toán P2P Lending, hoạt động dưới pháp danh Công ty TNHH Công nghệ FunMobi Việt Nam. Tuy nhiên ngành nghề kinh doanh FunMobi đăng ký lại không bao gồm ngành nghề kinh doanh liên quan đến trung gian thanh toán.
Cùng đó hiện nay, trong danh sách 32 đơn vị toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng không có tên FunPay hay FunMobi. Hoạt động của cổng trung gian thanh toán không phép này đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các cổng trung gian thanh toán trong nước đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Và đương nhiên, sử dụng công trung gian thanh toán không phép, khi khách hàng cần kiểm chứng thông tin hay khiếu nại sẽ gặp nhiều rủi ro do không được nhà nước bảo hộ. Chưa hết, thông tin cá nhân của khách hàng có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật, thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng chia sẻ, rao bán không đúng quy định, thông tin giao dịch bị mất hoặc xóa…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia tài chính đã lên tiếng cảnh báo vấn nạn cho vay tiền qua ứng dụng trôi nổi trên mạng với sự hậu thuẫn của các cổng trung gian thanh toán không phép, còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen ngoài đời thực. Lãi suất cộng với rất nhiều loại phí có thể đẩy số tiền khách hàng phải trả thông qua dịch vụ vay ngang hàng lên tới trên 1.000%/năm, khiến nhiều người không có khả năng trả nợ.
Chính vì thế, nếu không kiểm soát chặt hoạt động của các cổng thanh toán không có giấy phép thì nguy cơ trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền xuyên biên giới phi pháp… vẫn đang âm thầm diễn ra từng ngày từng giờ.
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định hiện nay việc quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chủ yếu giao dịch được thực hiện thông qua cổng thanh toán quốc tế, chuyển mạch qua các tổ chức thẻ quốc tế.
Bên cạnh đó có nhiều công ty nước ngoài đã và đang tìm cách xâm nhập vào thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam theo nhiều mô hình biến tướng, dẫn đến hệ lụy làm méo mó thị trường cho vay ngang hàng đích thực đã được cấp phép, tiếp tay cho các hoạt động xấu…
Ước tính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong số vài chục công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động tại Việt Nam thì có hàng chục công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số từ Indonesia, Singapore... Trong đó có tình trạng một số công ty đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước từng lên tiếng cảnh báo đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam do chưa có quy định pháp lý điều chỉnh như cấp phép, hiện diện thương mại..., nên có thể phát sinh một số vấn đề như trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp.
Trong khi đó, qui định của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu một tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động hợp pháp phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ, tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Ngoài ra, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Ham mức phí rẻ để giao dịch qua các cổng trung gian thanh toán không phép, các doanh nghiệp, cá nhân đang tự đặt mình vào thực tế có rất nhiều rủi ro, có thể đến một ngày sẽ bị mất trắng tiền mà không biết kêu ai. Để đảm bảo an toàn giao dịch, tránh bị thiệt hại, các cá nhân, doanh nghiệp khi giao dịch nên tham khảo các đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để lựa chọn”, một chuyên gia ngân hàng khuyến cáo.
Minh Anh