Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Vay online lãi 700%/năm: Gài khách hàng “chui đầu vào thòng lọng”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

“Vay tiền nhanh trong 10 phút, vay tiền nóng online, vay tiền mặt không cần giấy tờ", những lời rao như vậy đang ngày càng phổ biến về dịch vụ vay tiền qua mạng. Tiếp cận tín dụng chưa bao giờ dễ dàng đến vậy tại Việt Nam. Do nôn nóng vay tiền, nhiều người đã bị "gài" mức lãi suất cao như cho vay "chợ đen" mà không hề hay biết. Thậm chí mức lãi suất đi vay còn lên tới 700%/năm.

Vay tiền qua mạng internet là một mô hình vay tiền kiểu mới tại Việt Nam. Hình thức hoạt động của mô hình trên theo dạng Peer to peer (P2P) hay còn được gọi là hình thức cho vay ngang hàng.

Theo đó, người vay và người cho vay tự giao dịch với nhau qua sàn giao dịch là các website trung gian như Clickvay, ATMonline, Cashwagon, Doctordong hay Monily…

Vay tiền qua... hình ảnh


Rao vặt dịch vụ vay tiền ngày càng phổ biến.  Ảnh: I.T

Rao vặt dịch vụ vay tiền ngày càng phổ biến. Ảnh: I.T

Ngay khi tìm kiếm từ khóa “vay tiền trực tuyến” trên Google, một loạt đề xuất tương tự hiện ra như “vay tiền trực tuyến nhanh”, “vay tiền nóng”, “đăng ký vay tiền trực tuyến ngay”… Để vay tiền, người tiêu dùng chỉ cần tải phần mềm ứng dụng của trang web cho vay về điện thoại. Tiếp đó, người vay làm theo hướng dẫn trên web để mở tài khoản trực tuyến. Sau đó, để hoàn tất hồ sơ, người vay tiền chỉ cần chụp hình CMND (hoặc giấy phép lái xe), sổ hộ khẩu và cung cấp 1 tài khoản tại một ngân hàng bất kỳ.

Trong vòng 24 giờ, nhân viên của các dịch vụ cho vay qua mạng sẽ mang hồ sơ đến tận nhà để người vay ký hợp đồng và giải ngân vào số tài khoản ngân hàng. Tất cả lịch hẹn trả nợ, số tiền trả nợ sẽ được báo về tài khoản của người vay.

Hàng loạt trang web như Clickvay, ATMonline, Cashwagon, Doctordong hay Monily…hoạt động như sàn giao dịch giới thiệu người vay và người cho vay.

Theo tìm hiểu, hầu hết các công ty hoạt động dạng P2P ngoài việc giới thiệu ứng dụng cùng với quy trình vay - cho vay, chứ thông tin về các công ty kết nối tài chính cho vay tiền qua mạng rất ít. Đa số trên các trang web cho vay đều có ghi thông tin hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh của các Sở Kế hoạch Đầu tư.

Một số trang web chỉ có dòng tự giới thiệu: “Vaymuon không phải ngân hàng, không phải công ty tài chính. Hay có trang web chỉ được giới thiệu là một ứng dụng kết nối tài chính giữa người cho vay và người vay. Thậm chí có trang web tự giới thiệu chỉ là sàn giao dịch, giới thiệu giữa người cho vay và người cần vay chứ không có chức năng cho vay.

Vay chớp nhoáng, lãi suất cắt cổ

Theo như quảng cáo trên một số website thì dịch vụ trên là dịch vụ cho vay mở và ai cũng có thể vay mà không cần thế chấp. Trên các trang web này cũng công khai mức lãi suất vay là 16%/ năm. Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất trên chỉ là để "gài" khách hàng.

Trung Quốc đau đầu về dịch vụ vay tiền online

Với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 190 tỷ USD, Trung Quốc hiện là quốc gia có quy mô phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực cho vay ngang hàng P2P trên thế giới. Từ thời điểm mô hình cho vay mới này manh nha tại thị trường Trung Quốc vào năm 2007, đã có hơn 6.000 nền tảng cho vay trực tuyến được mở ra theo số liệu của Online Lending House. Theo quy định mới có hiệu lực từ tháng 6.2018, các công ty cho vay P2P bị nghiêm cấm khi tự đứng ra đảm bảo về các khoản vay cũng như lãi suất; các công ty này chỉ được chấp thuận những giao dịch trị giá không quá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 146.000 USD) cho cá nhân và 5 triệu nhân dân tệ cho doanh nghiệp và đặc biệt phải được giám sát bởi các ngân hàng.

Bắt đầu từ một trang web giới thiệu khách hàng chỉ cần đăng ký là khoản vay sẽ được duyệt trong 15 phút. Tìm hiểu về đơn vị này, công ty tự giới thiệu là một hệ thống phụ trợ khoản vay trực tuyến dựa trên công nghệ, giúp sắp đặt một công ty cho vay phù hợp yêu cầu của khách hàng. Thậm chí, đơn vị này cũng giới thiệu đã hoạt động tại hơn 8 quốc gia.

Về mức lãi suất, đơn vị này đưa ra vào khoảng 1-1,2%/ngày, tương đương lên tới 365-438%/năm, tùy hạn mức vay đối với những khoản vay dưới 10 triệu. Còn với khoản vay 10 triệu đồng và thanh toán trong vòng 30 ngày, mức lãi suất được đưa ra là 39%/tháng, tương đương 468%/năm.

Tìm kiếm tại các website khác, hầu hết mức lãi suất của hình thức vay trực tuyến này đều trên 400-500%/năm. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là mức lãi suất cao nhất.

Nếu tính cả thêm phí quản lý khoản vay từ bên cho vay, lãi suất của những khoản vay trực tuyến lên tới 700%/năm – cao hơn mức lãi vay từ các hiệu cầm đồ.

Trường hợp của anh Bùi Ngọc H (28 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là 1 trong số nạn nhân từ cho vay trực tuyến này. Anh H cho hay “khi vay tiền trực tuyến anh còn phải chịu thêm phí quản lý khoản vay từ bên cho vay dao động từ 1,2-2%/ngày, tương đương 438-720%/năm” và đến nay anh H vẫn đang “chật vật” với khoản vay này.

Ngoài việc lãi suất “cắt cổ”, các thủ tục vay trực tuyến cũng tương đối giống việc vay nặng lãi bên ngoài khi khách hàng cũng phải để lại số điện thoại đồng nghiệp, người thân để bên cho vay gọi điện xác nhận. Thậm chí, toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số CMND, địa chỉ… của người đi vay cũng sẽ bị bên cho vay nắm giữ.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Không thuộc trách nhiệm quản lý của chúng tôi

Cho vay trực tuyến online biến tướng là một hình thức của tín dụng đen. NHNN chỉ điều chỉnh hoạt động tín dụng với các tổ chức tín dụng, còn việc quản lý đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN. NHNN Việt Nam đã có kiến nghị lên Chính phủ quản lý chung hoạt động tín dụng, hạn chế tín dụng đen tràn lan.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng: Phải được cấp phép

Để được thực hiện các hoạt động về nghiệp vụ ngân hàng như huy động, cho vay, kể cả hình thức huy động và cho vay trực tuyến, các doanh nghiệp cần phải được NHNN cấp giấy phép, nếu chưa được NHNN cấp phép, đều là không hợp pháp.

 

Bà Đỗ Hoài Linh - Chuyên gia Ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân): “Rủi ro rất lớn”

Việt Nam khoảng 70% người vay tiền chưa tiếp cận được các kênh đầu tư chính thống như ngân hàng nên các dịch vụ vay online ngày càng "bùng nổ". Nếu không quá cấp thiết, tôi nghĩ người dân không nên tham gia các hình thức vay tiền trên, bởi rủi ro là rất lớn.

Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia: “Cần sớm có hành lang pháp lý”

Đã đến lúc chúng ta nên có một hành lang pháp lý thử nghiệm, cho phép làm thử và phải giới hạn về làm ở địa phương nào, đối tượng khách hàng, người cho vay, hạn mức vay, lãi suất… và đưa về một cơ quan đầu mối để quản lý.

Huyền Anh

 

Theo Lê Thuý
Dân Việt