Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Vay biến tướng vỡ trận ở Trung Quốc, chạy sang Việt Nam

Trong 40 công ty cho vay kiểu ngang hàng đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Khảo sát thực tế cho thấy các website cho vay ngang hàng trực tuyến, vay online, vay nóng không cần gặp mặt… nở rộ như nấm sau mưa. Khách hàng chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet là “vay tiền nhanh như gió”.

Chính vì vậy số người vay theo hình thức này cũng tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê, chỉ trên một sàn kết nối tài chính cho vay theo mô hình cho vay ngang hàng (P2P) mới thành lập từ cuối năm 2017, mỗi ngày có đến hơn 3.000 đơn xin vay. Tổng số tiền đã được giải ngân tính đến cuối năm 2018 lên đến gần 260.000 tỉ đồng.

Tín dụng đen núp bóng hoành hành

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích tại Việt Nam (VN) xu thế phát triển cho vay ngang hàng được đánh giá là rất nhanh. “Lý do chính là dân số VN với 96 triệu người với phần đông trong độ tuổi lao động, thu nhập đang tăng khá nhanh và người dân thích dùng công nghệ tiên tiến; khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng tại VN còn ở mức khiêm tốn so với khu vực; công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng” - ông Lực phân tích.

Trong khi đó, lý giải vì sao tín dụng đen và tín dụng đen núp bóng vay ngang hàng nở rộ với lãi suất cao chót vót nhưng nhiều ngươi vẫn lao vào, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HD SAISON, nhận định có nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân sau: Nhu cầu vay tiền của người dân là rất lớn nhưng nhiều người chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính của các tổ chức tín dụng hợp pháp dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hơn nữa, ngân hàng chủ yếu cho vay có thế chấp, nếu cho vay tín chấp thì sẽ hướng đến các khách hàng có thu nhập chuyển khoản qua ngân hàng hoặc phải có hợp đồng lao động rõ ràng, với mức lương tương đối cao so với mặt bằng chung. Trong khi thực tế nhiều người có nhu cầu tín dụng lại là lao động tự do, lao động phổ thông, không có hợp đồng lao động và không nhận lương qua chuyển khoản ngân hàng. Còn tín dụng đen thì tràn lan trên thị trường và nhắm đến những đối tượng khách hàng thiếu thông tin và cần tiền ngay.

Nhiều người dân biết tín dụng đen là bất hợp pháp, có lãi suất cắt cổ và có khi do những đối tượng “xã hội đen” điều hành nhưng vẫn vay do nghĩ rằng đây là giải pháp duy nhất để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của mình. Nhiều khi người vay tín dụng đen cũng không lường hết được những rủi ro nguy hại sẽ xảy ra trong tương lai cho chính họ và gia đình.

“Mặt khác, bản thân các ngân hàng thương mại cũng ngại cho những khách hàng dưới chuẩn - không hội đủ các điều kiện để vay - vay tín dụng vì chi phí hoạt động cao và rủi ro mất vốn lớn” - ông Đàm Thế Thái nhìn nhận.

Đại diện một ngân hàng khác cũng thừa nhận thực tế dù lãi suất của tín dụng đen núp bóng dưới hình thức vay ngang hàng cao gấp hàng chục lần so với các công ty tài chính, ngân hàng nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt vay tiền.

Lý do ở vùng sâu, vùng xa có rất ít dịch vụ tài chính ngân hàng của các tổ chức tín dụng hợp pháp. Có những khu vực vùng sâu vắng bóng hoàn toàn các tổ chức tín dụng. Tại những địa điểm này, tín dụng đen thường tung hoành rất mạnh.

Vay biến tướng vỡ trận ở Trung Quốc, chạy sang Việt Nam - 1

Hoạt động tín dụng đen dưới nhiều hình thức nở rộ và hoành hành dữ dội, bao gồm cả cho vay ngang hàng biến tướng. 

Biến tướng

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, trên thực tế, tại VN cũng đã xuất hiện một số công ty vay ngang hàng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen… diễn biến rất phức tạp. Tuy vậy, hiện nay VN chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay ngang hàng nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự.

“Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với VN. Ví dụ, nhà đầu tư không được hưởng các quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ người gửi tiền như trong hệ thống ngân hàng, trong khi đó vẫn phải chịu các rủi ro về tín dụng, thanh khoản, pháp lý” - TS Lực cảnh báo.

Dù cho vay lãi suất 1%/năm cũng vi phạm

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định hiện NHNN chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Trên địa bàn TP.HCM cũng chưa có bất cứ tổ chức, công ty nào được cấp phép đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này.

“Với hoạt động về huy động vốn và cho vay là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép của NHNN. Một khi đã không được NHNN cấp phép thì cho dù doanh nghiệp cho vay với lãi suất 1%/năm cũng là vi phạm” - ông Minh nhấn mạnh.

Đáng lo ngại hơn, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh hiện nay cho vay ngang hàng đang gây ra khá nhiều hệ lụy, biểu hiện rõ nhất là tại Trung Quốc (TQ) và một số quốc gia Đông Nam Á. “Khi chính phủ TQ thắt chặt quản lý vay ngang hàng thì các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có VN” - phó thống đốc NHNN khẳng định.

Ông cũng cho hay trong 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ TQ, một số công ty từ Indonesia và Singapore. “Một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng” - lãnh đạo NHNN nêu thực tế.

Một chuyên gia kinh tế cũng nhận định hiện có nhiều ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng có nguồn gốc từ TQ, núp bóng dưới dạng các công ty tư vấn đầu tư hoặc dịch vụ thương mại nhưng thực chất là hoạt động cho vay. Theo đó cho vay ngang hàng là phương thức cho vay giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng công nghệ. Trong đó tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng chỉ kết nối hai bên, cung cấp thông tin, đánh giá tín nhiệm về khoản vay, tư vấn, không phải người quyết định cho vay cuối cùng và chỉ hưởng phí (không hưởng lãi).

Tuy nhiên, thay vì làm trung gian kết nối thông tin, có công ty vay ngang hàng hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp để lừa đảo chiếm dụng vốn, cho vay với lãi suất cắt cổ. Đặc biệt huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán.

 “Các dạng biến tướng của cho vay ngang hàng dẫn đến hình thành tín dụng đen. Về bản chất, tín dụng đen đội lốt vay ngang hàng khá giống với cho vay trấn lột vì đều là hình thức kiếm siêu lợi nhuận, gian lận và lừa đảo” - vị chuyên gia này đánh giá.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Chí Quang cũng cho hay đã có hiện tượng nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen núp bóng rất tinh vi dưới hình thức hoạt động cầm đồ hoặc kết hợp với các nền tảng vay ngang hàng để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20% được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bài học cay đắng từ Trung Quốc

Các công ty cho vay ngang hàng đã mọc lên như nấm ở TQ. Lúc cao điểm, số công ty cho vay ngang hàng ở TQ lên tới con số 3.500. Tính đến tháng 6-2018, thị trường cho vay ngang hàng của TQ có giá trị lên đến gần 218 tỉ USD.

Những công ty dạng này huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ với cam kết lợi nhuận cao, rồi cho các công ty nhỏ và cá nhân vay lại.

Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát của chính phủ, các công ty cho vay ngang hàng tại TQ ngày càng hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp. Hậu quả là hàng loạt công ty vay ngang hàng phá sản, chủ các công ty này ôm tiền chạy trốn. Chỉ trong vòng hai tháng kể từ tháng 6-2018, hơn 400 công ty dưới hình thức này đã dừng hoạt động và các nhà đầu tư không thể đòi lại tiền.

 

Vay biến tướng vỡ trận ở Trung Quốc, chạy sang Việt Nam - 2

Tín dụng đội lốt vay ngang hàng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Ảnh: Hoàng Giang

Đáng chú ý các vụ lừa đảo và phá sản liên tục xảy ra dưới hình thức cho vay ngang hàng khiến hàng ngàn người dân TQ mất các khoản tiết kiệm cả đời dành dụm.

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng, núp bóng hình thức này để cho vay với lãi suất cắt cổ hoặc lừa đảo sau khi huy động vốn, chính phủ TQ đã siết chặt và tăng cường các biện pháp kiểm soát các hoạt động bát nháo của cho vay ngang hàng.

Ví dụ, chính quyền TQ cấm mở thêm các trang web cho vay trên mạng; yêu cầu các trang công ty cho vay ngang hàng dỡ bỏ các rào cản đối với việc khách hàng khiếu nại; tăng cường hình phạt đối với các công ty có hành vi lừa đảo; thiết lập chương trình bồi thường cho cổ đông các công ty vay ngang hàng phá sản; bắt giữ hàng loạt nghi phạm liên quan đến các vụ gian lận trong hoạt động cho vay ngang hàng…

Theo Khánh Mai
Pháp luật TPHCM