Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Vay 50 triệu đồng nhưng phải trả hơn 20 tỉ đồng

Nạn nhân vay số tiền nhỏ nhưng nếu chậm nộp lãi hằng ngày thì sẽ bị lãi chồng lãi với số tiền lên đến cả tỉ đồng.

Báo Pháp Luật TP.HCM mới đây lại tiếp tục nhận được nhiều đơn kêu cứu của bạn đọc là nạn nhân trong các vụ vay tiền với lãi suất cao, họ đều đang sống trong tình cảnh chung là khốn đốn, không lối thoát.

Phải bán hết tài sản để trả khoản vay 60 triệu đồng

Chị NTPT (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) gửi đơn cầu cứu tới báo, cho biết: Tháng 8/2018, do có khó khăn về tài chính nên chị đã tìm thông tin vay tiền nhanh trên mạng. Sau đó chị vay của một người đàn ông tên Trường (không rõ lai lịch) 60 triệu đồng.

“Sau khi tôi trình bày qua điện thoại nhu cầu vay của mình, Trường đến tận nhà tôi và yêu cầu được xem hộ khẩu, CMND, chụp ảnh nhà và đồng ý cho tôi vay 60 triệu đồng. Hình thức vay là trả góp gồm lãi và gốc theo ngày, trong 40 ngày thì lãi là 12 triệu đồng, lãi suất vay là 20%/40 ngày.

Tuy nhiên, Trường không viết giấy vay nợ mà yêu cầu tôi viết giấy nhận tiền cọc thuê nhà và mua xe giúp anh ta. Khi tôi thắc mắc thì được giải thích là giấy tờ để hợp thức hóa, nếu trả tiền theo đúng thời hạn thì không sao” - chị T. cho biết.

Tới khi nhận tiền thì chị T. chỉ nhận được 50,4 triệu đồng với lý do trừ đi 10% phí dịch vụ và đóng trước hai ngày lãi. Hằng ngày chị T. phải đóng cho Trường 1,8 triệu đồng (1,5 triệu gốc và 300.000 đồng tiền lãi).

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như chị T. trả đủ số tiền vay trên trong thời gian 40 ngày. Tuy nhiên, khi chị chậm trả hoặc quên trả nợ một ngày là liên tiếp nhận được nhiều số điện thoại lạ gọi tới đòi nợ, hăm dọa.

“Họ, cứ người này giới thiệu người kia cho nhau số điện thoại của tôi, điện thoại tới mời chào tôi vay tiền của họ. Họ nói rõ mục đích cho tôi vay là để tôi trả món nợ đang vay của Trường với nhiều gói vay khác nhau” - chị T. trình bày.

Vì không xoay được tiền để trả món nợ cũ nên chị T. đã vay của các đối tượng này để lấy tiền của người này trả cho người kia. Có hôm số tiền phải trả lên tới 150 triệu đồng/một ngày.

Tính đến ngày 20/12/2018, những người cho chị T. vay cộng dồn tiền lãi và gốc thì khoản nợ lên tới 7 tỉ đồng.

Vì liên tục bị gây áp lực và bị các đối tượng đến tận nhà đòi nợ, đe dọa tạt sơn nên chị T. đã báo gia đình để vay mượn, bán tài sản, đất đai và trả cho nhóm này 6,8 tỉ đồng.

Với khoản nợ 200 triệu đồng chưa trả được, chị lại tiếp tục vay tiền của nhóm người này để trả nợ, cứ vay của người này để trả cho người kia.

Tính đến 1/7/2019, tổng số tiền chị T. vay của gần 30 người đã lên tới hơn 3 tỉ đồng. Hiện chị T. đã mất khả năng trả nợ và hằng ngày bị các đối tượng đòi nợ khủng bố tinh thần.

Vay 50 triệu đồng nhưng phải trả hơn 20 tỉ đồng - 1

Chị NTPT (quận 12) đã phải bán hết tài sản để trả hơn 6,8 tỉ đồng nhưng vẫn chưa hết nợ. Ảnh: Đặng Lê

Vay 50 triệu đồng nhưng phải trả hơn 20 tỉ đồng - 2

Các đối tượng lạ đã đến tạt sơn, chất bẩn vào công ty của chị PTNT tại quận Tân Phú. Ảnh: Đặng Lê

Vay tiền của chủ nợ để trả cho chủ nợ

Một trường hợp khác là chị PTNT (quận Tân Phú) cho biết: Khoảng tháng 10/2015, chị vay 50 triệu đồng của vợ chồng bà TBT (quận 11) để làm ăn với lãi suất tiền đứng là 1%/ngày (trả lãi hằng ngày là 1%, không trả gốc). Ngoài vay bằng hình thức trả lãi đứng thì chị T. còn vay của bà BT theo hình thức trả góp lãi suất hơn 15%/tháng, trả trong 65 ngày. Tất cả khoản vay đều phải trả theo ngày.

Sau đó, do không kịp xoay đủ tiền để trả hằng ngày hoặc chậm trả thì chị bị một số người giới thiệu là chỗ bà BT gọi điện thoại để đòi nợ, mắng chửi và hăm dọa. Không còn cách nào khác, chị T. phải vay thêm tiền chỗ vợ chồng bà BT để trả tiền góp mỗi ngày và trả lãi cho chính bà BT để đổi lại sự yên ổn.

“Nhiều năm nay, để đổi lại sự yên ổn làm ăn, tôi phải vay tiền của vợ chồng bà BT để trả lãi cho chính bà ấy. Mỗi lần vay thì lại thỏa thuận vay khác nhau, số tiền lớn dần lên, rồi tiền phạt cũng cộng vào để tính lãi, tùm lum thứ… Nhiều năm nay công ty của tôi làm chỉ để trả nợ cho bà BT, số tiền ước tính tôi trả cũng khoảng 20 tỉ đồng rồi nhưng vẫn còn nợ tá lả” - chị T. nói.

Càng ngày số tiền nợ càng lớn và áp lực cũng tăng theo dẫn đến chị T. không còn khả năng trả nợ nên chị luôn bị nhóm người lạ bám sát theo dõi. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng lạ mặt đã đến địa chỉ công ty của chị T. ở quận Tân Phú để tạt sơn và mắm tôm khiến công ty chị đang phải đóng cửa.

Công an đã vào cuộc điều tra

Công an phường Phú Thạnh, quận Tân Phú cho biết đã tiếp nhận trình báo của chị T. về việc trụ sở công ty mình bị tạt sơn. Đồng thời công an phường này cũng đã báo cáo sự việc lên công an quận. Cạnh đó, theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an quận 11, hiện công an quận đã thụ lý vụ việc của chị T. và đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Tương tự, trường hợp của chị NTPT (quận 12), Cơ quan CSĐT Công an quận 12 cũng đã thụ lý và đang xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Cơ quan này cũng cho biết khi nào có thông tin rõ ràng sẽ thông tin cho báo chí sau. 

Theo Đặng Lê

Pháp luật TPHCM

Vay 50 triệu đồng nhưng phải trả hơn 20 tỉ đồng - 3