Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Vạn người mất việc, nỗi lo khoản nợ ngân hàng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Số dư nợ của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại các tổ chức tín dụng đang tăng nhanh. Nhiều lao động mất việc làm, kinh doanh gặp khó khiến rủi ro đối với các khoản vay ngân hàng vay rất lớn.

Mất việc, giảm khả năng thanh toán

Theo số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến hết tháng 2/2020, số hồ sơ nộp để xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 47.164 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo dự báo của các chuyên gia, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, số người lao động bị giảm thu nhập, thất nghiệp sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Ước tính có khoảng 2 triệu người lao động bị ảnh hưởng. Tác động của dịch bệnh khiến những người đang có khoản vay đối với khách hàng cá nhân khó tất toán đúng hạn cả lãi và nợ gốc.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam ước đạt 11,4%, tức là khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ và phần lớn những người vay tiêu dùng đều có thu nhập ở mức trung bình, dòng tiền trả nợ đến từ tiền lương, tiền công.

Vạn người mất việc, nỗi lo khoản nợ ngân hàng - 1

Ước tính có khoảng 2 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và gia tăng người nghèo trong xã hội

Các ngân hàng cho biết, có hàng chục nghìn tỷ đồng dư nợ của khách hàng cá nhân đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chẳng hạn như tại HDBank, khoảng 11.000 tỷ đồng tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó hơn 4.000 tỷ đồng là của khách hàng cá nhân. Hiện, số lượng các khách hàng gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ vẫn tiếp tục tăng.

Tại Sacombank, trong số 22.000 tỷ đồng khách hàng đề xuất xin cơ cấu, giãn nợ, có tới 7.000 tỷ đồng là của khách hàng cá nhân.

Một số NHTMCP cho hay một tháng gần đây, số dư nợ cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã tăng gấp 2-5 lần so với đầu năm.

Đáng quan ngại nhất chính là các khoản cho vay đầu tư bất động sản ẩn trong tiêu dùng. Do các khoản cho vay mua nhà thường có thời hạn rất dài, giá trị cho vay lại lớn, trong khi thị trường bất động sản đang khó khăn thanh khoản. Tiếp đến là những khoản vay mua xe phục vụ vận tải và vay kinh doanh nhỏ lẻ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó khăn khi phải tạm ngừng, đóng cửa, vắng khách,... Tất cả đều khiến rủi ro đối với các khoản vay, nhất là cho vay cá nhân là rất lớn

Trên thực tế, tại Trung Quốc, việc gia tăng tình trạng mất khả năng trả nợ các khoản vay cá nhân, vay tiêu dùng đã xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tỷ lệ vi phạm thời hạn thanh toán các khoản vay đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, từ 20-50%.

Vạn người mất việc, nỗi lo khoản nợ ngân hàng - 2

Cho vay tiêu dùng cũng đóng góp một phần không nhỏ vào bức tranh nợ xấu chung của ngành ngân hàng.

Nỗi lo nợ xấu

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tín dụng với khách hàng cá nhân, tín dụng tiêu dùng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, nhu cầu vay từ các khách hàng phân khúc bình dân và thu nhập thấp vẫn còn vì nhiều người vẫn cần tiền mặt để trang trải chi phí kinh doanh nhỏ lẻ, mua sắm, sinh hoạt. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt đỉnh, thu nhập của phân khúc khách hàng thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và khả năng trả nợ của người đi vay sẽ giảm nhanh. 

Còn theo các chuyên gia ngân hàng, dịch Covid-19 tại Việt Nam mới bùng phát mạnh mẽ trong tháng 3 và còn diễn biến phức tạp, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Trước tình hình này, các ngân hàng và công ty tài chính cần giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, giảm tỷ lệ số tiền lãi phải trả và giãn thời gian trả nợ cả gốc lẫn lãi cho khách hàng cá nhân để hạn chế nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng.

Hiện tại có một số ngân hàng đã giảm 25% tổng số tiền lãi phải thanh toán cho khách hàng cá nhân, giãn thời gian trả nợ thêm 3-6 tháng. Tuy nhiên, mới có một số công ty mới chỉ xem xét việc cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng. 

Về phía người đi vay, cần phải thông báo ngay cho các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính về tình hình thu nhập, tài chính của mình để xin ân hạn khoản vay. Trường hợp người đi vay mất hoàn toàn khả năng thanh toán, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần thương lượng để thống nhất giải quyết như giảm nợ, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn, có thể giảm lãi suất cho họ.

Thực tế mấy năm gần đây cho thấy, hầu hết các nhà băng đã chuyển hướng sang tín dụng bán lẻ, tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân trong việc vay tiền mua ô tô, xây dựng, sửa chữa nhà,... bởi biên lợi nhuận ròng thu về rất tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận cao bao giờ cũng đi kèm với rủi ro cao.

Theo Trần Thuỷ

VietnamNet