Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Vạch trần mánh khóe tinh vi dụ "con mồi" sập bẫy của các app kiếm tiền

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Để đưa "con mồi" vào tròng, các app kiếm tiền liên tục đưa ra những lời quảng cáo có cánh, cam kết lãi "khủng", thậm chí là nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để đánh lừa người chơi.

Gần đây, hàng trăm người đã lên tiếng tố cáo các app (ứng dụng) kiếm tiền lừa đảo như Coolcat, Pchome. Điểm chung của các app kiếm tiền này đều vận hành theo một công thức là vẽ ra những miếng bánh béo bở để "con mồi" sập bẫy.

Cầm điện thoại 15 phút là có tiền

Như Coolcat, ứng dụng được quảng cáo là sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn với cam kết lãi "khủng". Ứng dụng sẽ đưa ra 6 gói bảo hiểm với mức phí từ 54 đến 9.146 USD. Người chơi mua gói bảo hiểm 3 có phí 464 USD thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ nhận lãi từ 7,42 USD đến 15,8 USD. Còn với gói bảo hiểm 6 có phí 9.146 USD thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ nhận lãi từ 148,5 đến 268 USD.

Nhiệm vụ của người chơi khá đơn giản. Mỗi ngày, họ chỉ cần truy cập vào app khoảng 15 phút rồi đặt lệnh. Tùy thuộc vào số tiền đầu tư mà người chơi sẽ nhận về số lãi theo quy định.

Vạch trần mánh khóe tinh vi dụ con mồi sập bẫy của các app kiếm tiền - 1

Những chiếc "bánh vẽ" mà Coolcat đưa ra.

Tuy nhiên, lãi thì không thấy đâu mà người chơi chỉ nhận về cay đắng. Bởi có những người còn đi vay nặng lãi, cắm sổ đỏ, bán nhà, bán xe để đầu tư vào Coolcat.

Chị T.H ở Bình Phước đã đi vay nặng lãi 128 triệu đồng để đầu tư. Theo tiết lộ, cứ 1 triệu đồng tiền vay là chị phải trả 5.000 đồng tiền lãi. "Ban đầu, tôi đầu tư vào gói 3. Ngày 2/4, tôi nạp thêm tiền để nâng cấp tài khoản. Ngày 6/4, tôi mua thêm một gói 3 nữa. Ngày 13/4, tôi mua gói cấp 4. Ngày 15/4, tôi mua gói 4 tiếp theo. Và sau lần nạp đó thì sàn sập đến bây giờ" - chị kể.

Chị H cho biết, lý do khiến chị say mê, mù quáng bỏ hàng trăm triệu vào Coolcat là nghe lời quảng cáo, giới thiệu từ một người bạn. Tuy nhiên, khi sàn sập, chị H và người bạn đều rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì tiền có thể "không cánh mà bay". 

Vạch trần mánh khóe tinh vi dụ con mồi sập bẫy của các app kiếm tiền - 2

Lời quảng cáo đầy mật ngọt của Pchome.

Mất tiền còn bị thách thức "tao lừa đảo rồi"

Cay đắng hơn, khi biết tin Pchome sập, một ứng dụng (app) được quảng cáo là chỉ cần nạp tiền, ngồi "giật đơn" hàng mỗi ngày là có thể thu lãi "khủng", chị L.A (Hà Nội) còn nhận được tin nhắn thách thức "Tao lừa đảo rồi, tao không cho rút tiền đâu".

Chị L.A cho biết, chị được một người quen giới thiệu ứng dụng. Theo quảng cáo, đây là app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Tiki, Shopee, Lazada... để nhận hoa hồng. Thế nên, nhiều nhà đầu tư mới tin tưởng rót vốn mà không hề nghi ngờ. Chỉ khi app sập, mọi người mới tả hỏa, biết mình bị lừa.

"Khi mới bắt đầu chơi, tôi cũng rút tiền 2 lần nhưng đến ngày 12/4 thì không thể rút được nữa, xong đến ngày 16/4 thì app sập. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng, nhưng rút ra mới được 70 triệu đồng" - chị nói.

Ngoài ra, chị L.A còn tiết lộ, trong các hội nhóm người chơi Pchome đều có một hệ thống "chim mồi", chuyên dụ dỗ khách nạp tiền, xoa dịu tâm lý người chơi.

Vạch trần mánh khóe tinh vi dụ con mồi sập bẫy của các app kiếm tiền - 3

6 gói VIP của Pchome.

Anh S.T, một nạn nhân bị app Pchome lừa đảo, chiếm đoạt tiền cho biết, công việc hàng ngày của anh là truy cập vào ứng dụng, "giật" đơn hàng. Mỗi ngày được "giật" tối đa 40 đơn, hưởng hoa hồng 0,35% trên tổng số tiền đầu tư, với điều kiện, người chơi phải bỏ tiền thật để mua các gói theo quy định. 

Trong đó, Pchome sẽ đưa ra 6 gói VIP với mức phí từ 350.000 đồng đến 200 triệu đồng. Đơn cử, người chơi mua gói VIP 3 có phí 10 triệu đồng thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được hoàn trả 0,3%/đơn. Còn với gói VIP 6 có phí 200 triệu đồng thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được hoàn trả 0,42%/đơn.

Theo anh T, hầu hết số tiền khách nạp vào tài khoản sẽ được gửi cho một người trong công ty. Danh sách số tài khoản chuyển tiền sẽ được cập nhật ngay sau khi người chơi tải ứng dụng về.

"Trong danh sách có tên 20 người, tương ứng với 20 số tài khoản. Nhưng mỗi ngày, phía Pchome sẽ chọn ra 3 số tài khoản để mọi người chuyển tiền vào. Đây là số tài khoản riêng, ghi tên người đó, chứ không ghi tên công ty" - anh T tiết lộ.

Vạch trần mánh khóe tinh vi dụ con mồi sập bẫy của các app kiếm tiền - 4

Giao dịch chuyển tiền của người chơi đến thành viên của công ty Pchome.

Khó đòi lại tiền đã mất?

Trao đổi với Dân trí, luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, hành vi sử dụng các app để huy động vốn, chiếm đoạt tài sản của người dân có dấu hiệu cấu thành tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hành vi cụ thể ở đây là lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vạch trần mánh khóe tinh vi dụ con mồi sập bẫy của các app kiếm tiền - 5

Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Coolcat tự nêu là công ty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam nên "an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ". Coolcat có 2 website chính là https://www.coolcat.com.vn và https://coolcatvietnam.com. Chỉ cần người chơi vào đó và tải phần mềm Coolcat vào điện thoại di động, đăng nhập bằng số điện thoại của mình là có thể bắt đầu chơi.

Thực chất đây chỉ là cách các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng internet, công nghệ mới tạo ra các vỏ bọc về sự tiến bộ, văn minh cộng với những hứa hẹn đầu tư hấp dẫn, sinh lời cao, không mất công sức, hoàn toàn không rủi ro để lừa dối người đầu tư. Hiện nay các thiết chế tài chính vững mạnh như hệ thống ngân hàng cũng không có bảo hiểm rủi ro 100% số tiền gửi.

"Có thể thấy đã đầu tư thì tất yếu có rủi ro, việc cam kết đầu tư được bảo hiểm 100% chỉ có thể là lừa dối. Không có gì là miễn phí, không có hoạt động đầu tư nào là không có rủi ro", ông nói. 

Do vậy, ông đưa lời khuyên trước khi đầu tư, người dân cần phải tìm hiểu kỹ nơi nhận tiền của mình, hoạt động đầu tư sinh lời là gì hãy quyết định tham gia.

"Tiền ở túi mình là của mình tiền rời khỏi túi mình là của người khác. Số tiền các nạn nhân được chuyển bằng tài khoản tại Ngân hàng Việt Nam, có đầy đủ thông tin thì hoàn toàn có căn cứ để thu hồi", luật sư nhấn mạnh.

Tuy vậy có thể tại thời điểm này, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã rút sạch tiền và tẩu tán. Do đó dù có căn cứ, bằng chứng, việc thu hồi tài sản sẽ rất khó thực hiện.

Hoàng Dung

 

 

 

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.