Theo báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu của ngân hàng UOB duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm là 5,2% cho năm 2023 và 6% cho năm 2024, dự kiến mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong quý III và 7,6% trong quý IV.
6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 3,72%. Nhóm phân tích cho rằng để đáp ứng dự báo chính thức là 6,5% cho năm 2023 thì tăng trưởng trong nửa cuối năm sẽ phải đạt trung bình hơn 9,2% so với cùng kỳ, đây là một thách thức rất lớn trong hoàn cảnh hiện tại.
Xét về kết quả hoạt động của từng ngành, ngành sản xuất (bao gồm cả xây dựng), chiếm tỷ trọng khoảng 34% trong nền kinh tế. Trong quý II, nhóm ngành này đã đạt được mức tăng trưởng khoảng 1,1% so với cùng kỳ, đồng thời cũng có đóng góp tích cực trong nửa đầu năm nay, sau khi bước vào giai đoạn suy giảm đầu tiên kể từ quý III/2021.
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ (chiếm tỷ trọng 43%) trong quý II đã khắc phục được một số điểm yếu từ khu vực bên ngoài, và đạt được mức tăng 6,1% so với cùng kỳ, sau mức tăng 6,6% so với cùng kỳ trong quý I. Lĩnh vực dịch vụ đóng góp 2,7% điểm phần trăm, tương đương hơn 60% mức tăng trưởng chung trong nửa đầu năm.
Nhìn xa hơn vào những kết quả này, UOB cho biết triển vọng trong thời gian còn lại của năm có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì những dữ liệu mới nhất được công bố chưa thật sự ấn tượng. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 vào tháng 8, sau 5 tháng giảm liên tiếp (dưới 50) và mức thấp nhất (45,3 vào tháng 5) kể từ tháng 9/2021.
UOB cho rằng có thể sẽ có triển vọng về việc NHNN tiếp tục cắt giảm 1 điểm % lãi suất điều hành trong quý IV, từ 4,5% xuống 3,5%. (Ảnh minh hoạ: Tiến Tuấn) |
Đơn vị phân tích cho biết xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua, tháng 8 giảm 8,5% so với cùng kỳ. Trong khi nhập khẩu chứng kiến 10 tháng giảm liên tiếp, riêng tháng 8 giảm 5,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam bị tác động do nhu cầu bên ngoài suy yếu, được thể hiện qua việc xuất khẩu sang Mỹ (thị trường lớn nhất chiếm 28% tổng xuất khẩu) đã giảm 9 tháng trong 10 tháng qua, tháng 8 giảm 9,4%.
Ngược lại, UOB cho biết nhu cầu trong nước tương đối lạc quan hơn. Doanh số bán lẻ tiếp tục thể hiện tốt trong năm qua, với tổng thương mại bán lẻ cho thấy mức tăng 10% so với cùng kỳ vào tháng 8. Trong đó, chi tiêu và hoạt động liên quan đến du lịch đóng vai hỗ trợ cho mức tăng hai chữ số này.
Lượng khách du lịch đến đã tăng tốc trong năm, đạt hơn 7,8 triệu lượt khách du lịch so với đầu năm vào tháng 8, điều đó có nghĩa vào cuối năm nay, lượng khách đến có thể phục hồi ít nhất 2/3 mức được ghi nhận vào năm 2019.
Tuy nhiên, nhóm phân tích nhận định lĩnh vực dịch vụ chỉ bù đắp một phần cho tốc độ tăng trưởng chậm trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất. Dữ liệu được công bố cho đến nay cho thấy tăng trưởng GDP thực tế trong quý III có thể chưa mang lại sự lạc quan mạnh mẽ.
Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tích lũy 150 điểm cơ bản vào tháng 6, xuống còn 4,5%. Mặc dù vậy, UOB vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,5%), nhưng thời gian đã được chuyển sang quý IV để cân bằng giữa tăng trưởng và áp lực lạm phát.
Nhìn chung, UOB duy trì quan điểm VND sẽ diễn biến theo sát biến động của các đồng tiền châu Á, với tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao trong quý IV trước khi giảm xuống mức thấp hơn bắt đầu từ quý I/2024. Dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật của UOB là 24.500 trong quý IV; 24.000 trong quý I/2024; 23.800 trong quý II/2024 và 23.600 trong quý III/2024.
Vĩ Quang