Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Từ vụ FE Credit: Khi chiến lược thay đổi, "gà đẻ trứng vàng" cũng ra đi

Bài lấy lại
Bài lấy lại

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khi các ngân hàng thay đổi chiến lược kinh doanh, họ sẵn sàng bán đi công ty tài chính, vốn là "gà đẻ trứng vàng" đem lại lợi nhuận khổng lồ để tập trung cho lĩnh vực khác.

Bán và muốn bán "gà vàng"

Ngày 28/4, VPBank chính thức bán 49% cổ phần FE Credit cho Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC) của Nhật Bản. Con số thu về, theo một số nguồn thạo tin, là khoảng 1,4 tỷ USD. Như vậy, định giá của FE Credit lên đến 2,8 tỷ USD. 

Nhiều năm trở lại đây, FE Credit được cho là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank khi đóng góp 45 - 50% vào tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng giai đoạn 2016 - 2019 hay 28,5% năm 2020. 

Từ vụ FE Credit: Khi chiến lược thay đổi, gà đẻ trứng vàng cũng ra đi - 1

VPBank bán xong 49% vốn tại "gà vàng" FE Credit.

Dù thế, VPBank vẫn bán gần 50% vốn tại "gà đẻ trứng vàng". Thực tế, 49% vốn được bán cho SMBC - nhà đầu tư Nhật Bản. 1% được bán cho VCSC - nhà đầu tư trong nước. Sau thương vụ trên, VPBank còn nắm 50% vốn tại FE Credit. 

Không chỉ VPBank, thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng dần buông công ty tài chính với việc bán bớt cổ phần tại các đơn vị này. Năm 2020, ngoài VPBank thì SHB cũng muốn thoái khỏi công ty tài chính. Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB - cho biết muốn thoái vốn khỏi công ty tài chính SHBFC cho nhà đầu tư nước ngoài. SHBFC là công ty tài chính có tiền thân là Công ty tài chính Vinaconex Viettel, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, SHB sở hữu 100% vốn.

Trước đó, năm 2020, MSB cũng cho biết tìm được nhà đầu tư để chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty tài chính FCCOM với giá 42 triệu USD cho Hyundai Card, công ty phát hành thẻ tín dụng của Hyundai Motor nhưng vẫn chưa được phê duyệt thương vụ. Tiền thân của FCCOM là Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam. FCCOM được MSB mua lại 100% vào năm 2015, vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Gần đây, tại phiên họp cổ đông 2021, Tổng giám đốc MSB cho biết thương vụ trên không hoàn thành do các cổ đông lớn của Hyundai chuyển hướng kinh doanh do Covid-19. MSB lại phải làm việc với đối tác khác để bán vốn tại FCCOM. 

Thực tế, 2020 cũng là năm mà mô hình công ty tài chính của các ngân hàng không còn quá hiệu quả. Chi phí tín dụng tăng đẩy thu nhập từ hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm.

Bản thân "gà vàng" FE Credit của VPBank cũng có kết quả kinh doanh không khả quan hơn so với các năm trước đó. Năm 2020, lãi trước thuế cả năm của FE Credit đạt hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm trước, doanh số giải ngân trong năm cũng giảm khoảng 14%.

Hay tại FCCOM, năm 2020, lợi nhuận chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với 2019. Dư nợ tín dụng cũng chỉ tăng nhẹ so với 2019 song nợ xấu lại tăng vọt, chiếm tỷ lệ 8,83% tổng dư nợ (năm 2019 là 3,15%) đẩy số trích lập dự phòng lên khá lớn (hơn 36 tỷ đồng). 

Vì sao bán?

Giải thích về câu chuyện trong thời gian gần đây, các ngân hàng thường thoái vốn khỏi các công ty tài chính, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng có ngân hàng thì mua về, có ngân hàng thì thoái vốn là do chiến lược của mỗi bên. Bởi các công ty tài chính là một trong những mảng gắn với hoạt động của ngân hàng, liên quan đến tài chính tiêu dùng.

Thế nên, khi các ngân hàng thay đổi chiến lược kinh doanh, họ sẵn sàng bán đi công ty tài chính, vốn là "gà đẻ trứng vàng", đem lại một phần lớn lợi nhuận khổng lồ để tập trung vào các lĩnh vực khác. Ngoài ra, các ngân hàng cảm thấy bán công ty tài chính hiện giờ là được giá thì quyết định luôn.

Từ vụ FE Credit: Khi chiến lược thay đổi, gà đẻ trứng vàng cũng ra đi - 2

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia về tài chính ngân hàng.

Còn việc các định chế tài chính nước ngoài lớn có xu hướng mua công ty tài chính của Việt Nam, ông Lực cho rằng đây là cách thức họ thâm nhập thị trường nhanh nhất. Vì bản thân công ty tài chính cũng đang hoạt động, kinh doanh tốt nên cũng là "miếng mồi béo bở" đối với những định chế này. 

"Hiện nay, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam cũng khá phát triển nên cũng là cơ hội tốt cho các định chế tài chính nước ngoài khi thu mua. Đặc biệt, đây cũng là cách để họ thâm nhập thị trường nhanh nhất. Vì ngay bản thân các đơn vị, định chế tài chính đã có thời gian làm việc ở Việt Nam nên họ cũng hiểu rõ tình hình.

Tuy nhiên, các đơn vị này cũng sẽ gặp phải một vài khó khăn nhất định như cơ cấu, tổ chức lại bộ máy khi hoạt động tại Việt Nam. Thứ hai là sự khớp nhau về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản trị điều hành" - ông Lực nhấn mạnh.

Còn theo quan điểm của PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, thời gian gần đây, các ngân hàng có những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mặc dù lãi suất ngân hàng trong năm 2020, quý I/2021 vẫn ổn.

"Thực tế, lãi suất ngân hàng hiện thấp hơn nhiều so những năm trước. Vì thế, các ngân hàng cũng xem xét để giảm những hoạt động, kinh doanh có rủi ro, trong đó, có mảng tín dụng tiêu dùng. Thông thường, các công ty tài chính hay cho vay dưới chuẩn, không có bảo lãnh, không có thế chấp, chứng minh tài chính nên rủi ro là lớn. Thế nên, họ cố gắng giảm những hoạt động đó đi nhằm giảm nợ xấu ngân hàng" - ông nói.

Còn về xu hướng nhiều định chế tài chính nước ngoài mua công ty tài chính của Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng mới đầu, để tham gia vào thị trường tài chính của một quốc gia là rất khó. Nếu là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì cần rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn.

"Do đó, họ thường tìm các công ty tài chính đang có hoạt động tốt, "chân rết" tương đối rộng để tham gia hay sở hữu. Để từ đó, họ có những điều phối, hoạt động kinh doanh ở quốc gia này tốt hơn. Thay vì họ sở hữu một hệ thống mới toanh vừa mất thời gian, vừa khó khăn trong khâu vận hành" - ông giải thích.

Còn theo quan điểm của một chuyên gia khác, mô hình công ty tài chính tiêu dùng cũng đã bớt đi độ hấp dẫn trong bối cảnh đại dịch. Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, năm 2020, tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng ở mức một con số, theo báo cáo của FinGroup mới đây. 

Bên cạnh đó, quy định khống chế mức trần các khoản vay bằng tiền mặt bị khống chế theo Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước cũng được cho là nguyên nhân khiến cho công ty tài chính tiêu dùng bớt đi độ hấp dẫn. Tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại công ty tài chính sẽ giảm về 30% kể từ ngày 1/1/2024. Trong bối cảnh tại các công ty tài chính tiêu dùng, tỷ lệ này thường xuyên duy trì cao lên đến 70 - 80% và khách hàng cũng chủ yếu có nhu cầu tiền mặt thì quy định trên được cho là sẽ làm giảm sức hấp dẫn của mô hình cho vay này.

Hoàng Dung