Ngày 4/4, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trầm Bê (sinh năm 1959, nguyên phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Phương Nam) cùng 9 đồng phạm về tội vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Riêng bị can Dương Thanh Cường (sinh năm 1966, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần xây dựng và thương mại Bình Phát) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Siêu lừa" Dương Thanh Cường.
Theo cáo trạng, năm 2007, Dương Thanh Cường có ý định thực hiện dự án cao ốc căn hộ và biệt thự vườn Thanh Phát nên lấy danh nghĩa công ty mua 10,5ha đất của các hộ dân có 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dương Thanh Cường đã thế chấp số đất này tại ngân hàng Agribank chi nhánh 6 để vay tiền làm dự án.
Tuy nhiên đến tháng 4/2008, Cường lại dùng nhiều thủ đoạn gian dối mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đến gặp Trầm Bê để thế chấp vay tiền.
Sau khi được cán bộ sở giao dịch ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ, hội đồng tín dụng gồm Phan Huy Khang (chủ tịch), Phan Thị Hồng Vân và Trầm Viết Trung (ủy viên) đã ký duyệt cho công ty của Cường vay 130 tỷ đồng và yêu cầu sở giao dịch phải thực hiện đầy đủ 8 điều kiện trước khi cho vay.
Tuy nhiên, Trầm Bê đã phê duyệt cho công ty của Cường vay không điều kiện và không theo đề nghị của hội đồng tín dụng. Từ đó, các bị can Ngô Văn Huổi (phó giám đốc sở giao dịch) cùng Phạm Trường Giang, Trần Quang Thắng (cán bộ tín dụng) đã giải ngân 130 tỷ đồng mà không có bất kỳ chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn vay. Cường đã dùng hơn 2 tỷ đồng để trả lãi vay, còn lại gần 128 tỷ đồng sử dụng cá nhân.
Tiếp đó, tháng 5/2008, Dương Thanh Cường đến Ngân hàng Phương Nam gặp Trầm Bê xin vay thêm tiền. Trầm Bê đồng ý cho Cường vay thêm bằng cách đảo nợ ký hợp đồng vay mới, sau đó sử dụng tiền giải ngân để tất toán hợp đồng lần 1 và rút thêm tiền. Trình tự thủ tục xét duyệt cho vay như lần 1.
Ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cường hơn 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng, tổng cộng là 221,3 tỷ đổng. Bị can Cường dùng số tiền này để tất toán khoản vay trước, trả 32 tỷ đồng lãi, còn lại hơn 57 tỷ đồng sử dụng cá nhân.
Một năm sau, do không có tiền trả nợ nên "siêu lừa" Dương Thanh Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin gia hạn nợ. Trầm Bê đồng ý cho Cường gia hạn nợ bằng cách đảo nợ, ký hợp đồng tiền vay mới lần 3. Đến đầu năm 2010, Cường gán toàn bộ 23 bất động sản cho ngân hàng Phương Nam để thanh lý các khoản nợ.
Kết quả điều tra xác định Dương Thanh Cường dùng nhiều thủ đoạn gian dối, mang tài sản đang thế chấp tại Agribank đi vay và chiếm đoạt tiền của ngân hàng Phương Nam. Tính đến năm 2010, số tiền Cường nợ ngân hàng cả gốc và lãi là hơn 331 tỷ đồng.
Trầm Bê cùng các thuộc cấp đã ký duyệt hồ sơ giải ngân cho công ty của Cường vay đối với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện, đồng thời giải ngân cho công ty của Cường trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, gây thiệt hại lớn.
Bị can Trầm Bê.
Trong kết luận điều tra lần 1, cơ quan điều tra không xử lý hình sự mà kiến nghị xử lý hành chính đối với Trầm Viết Trung. Tuy nhiên, trong kết luận điều tra bổ sung xác định Trung đã có hành vi cùng với Phan Huy Khang và Phan Thị Hồng Vân (cán bộ pháp chế) ký biên bản cuộc họp hội đồng tín dụng xét duyệt đồng ý cho công ty của Dương Thanh Cường vay 190 tỷ đồng.
Hậu quả của hành vi trên giúp cho ông Cường trong lần vay thứ nhất chiếm đoạt gần 128 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam. Hành vi của ông Trầm Viết Trung đã phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Trong vụ án, một trong những bị can giữ vai trò mấu chốt đó là bị can Nguyễn Thị Xuân Trang (nguyên giám đốc sở giao dịch ngân hàng Phương Nam). Tuy nhiên bà đã bỏ trốn khỏi địa phương từ tháng 11/2016 nên không thi hành lệnh bắt tạm giam ngày 24/12/2018. Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã nhưng đến nay vẫn chưa xác định được bị can ở đâu. Vì thế ngày 9/9/2019, công an ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với bà, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra và đề nghị truy tố theo pháp luật.
“Siêu lừa” Dương Thanh Cường
Năm 1996, Dương Thanh Cường bị TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, 10 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân, 3 năm tù về tội trốn thuế. Tổng hợp hình phạt Cường phải chấp hành là 20 năm tù (theo quy định thời điểm đó, tù có thời hạn không quá 20 năm tù).
Cùng năm 1996, Dương Thanh Cường bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 10 năm tù về tội đưa hối lộ.
Năm 2015, Cường bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên phạt 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 tháng tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Năm 2016, Cường bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên phạt mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tù chung thân về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cũng trong năm 2016, Cường tiếp tục bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên phạt mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong 1 vụ án khác.
Năm 2018, Cường bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xuân Duy