Sáng nay (29/9), Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế xã hội quý III. Đến 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 14%. Chỉ tiêu tăng trưởng định hướng 14% được xây dựng trên các cơ sở gồm tình hình tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2021 (tăng 13,61%, cao hơn mức 12,17% của năm 2020); mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% và dự toán NSNN theo Nghị quyết số 34/2021/QH15.
Trước đó, NHNN công bố số liệu tính đến 30/6, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm 2021, cũng là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Với lĩnh vực bất động sản (BĐS), NHNN cho biết, đến tháng 6, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Trong đó, tín dụng đối với BĐS kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS; tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. Nợ xấu lĩnh vực BĐS khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).
Về nới room tín dụng trong những tháng cuối năm 2022. NHNN cho biết, thời gian qua, một số TCTD phản ánh hết “room” tín dụng là do các TCTD tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thị trường bảo hiểm tiếp tục đạt mức tăng mức tăng trưởng ổn định. Tính chung 9 tháng, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 18%.
Về câu chuyện tăng trưởng tín dụng từng ngân hàng, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số đơn vị lại chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Khánh Linh