Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Thủ tướng: Ngân hàng cần hạ lãi suất, tránh sở hữu chéo

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Thủ tướng lấy dẫn chứng những bất cập của ngành ngân hàng như sở hữu chéo, yếu kém nhiều năm. "Đất nước phát triển, người dân giàu có thì ngân hàng mới phát triển được. Đất nước không phát triển, người dân nghèo khó thì ngân hàng sao phát triển được", Thủ tướng nêu quan điểm.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023" diễn ra chiều 17/12 đã khép lại với phần kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ngân hàng cần hạ lãi suất, tránh sở hữu chéo 

Người đứng đầu Chính phủ xác định một số khăn phải đối mặt, cụ thể như thị trường chứng khoán phục hồi nhưng chưa bền vững, thị trường trái phiếu rủi ro, cung ứng tiền có vấn đề, thị trường bất động sản bị ách tắc, vấn đề xăng dầu, thuốc, trang thiết bị y tế...

Thủ tướng lấy dẫn chứng những bất cập của ngành ngân hàng như sở hữu chéo, yếu kém nhiều năm. "Đất nước phát triển, người dân giàu có thì ngân hàng mới phát triển được. Đất nước không phát triển, người dân nghèo khó thì ngân hàng sao phát triển được", Thủ tướng nêu quan điểm.

Thủ tướng đặt vấn đề tại sao lại xây dựng một thị trường chéo, vì sao không làm nhiệm vụ ngân hàng phải có tiền gửi và tiền cho vay mà lại mang đi đầu tư bất động sản và cái khác... Ngân hàng cần hạ lãi suất, tránh sở hữu chéo.

Hay như bất động sản, chủ yếu vẫn là phân khúc cao cấp cho người giàu, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, xăng dầu cũng có những bất cập cần xử lý.

"Khi đã bị bệnh rồi thì phải chữa, sẽ mất thời gian, công sức, chờ hồi phục", Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình xử lý cần đảm bảo được lợi ích chính đáng của các đối tượng liên quan.

Cũng theo Thủ tướng, khi bộc lộ những cái yếu kém, cần phải bình tĩnh đưa ra các giải pháp hiệu quả, lành mạnh hóa thị trường. Đồng thời, các bộ ngành phải phản ứng chính sách kịp thời hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình.

Chính sách tiền tệ chắc chắn thay vì thận trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trên tinh thần "đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả", Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ đồng thời nhấn mạnh một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, công điện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên vấn đề phù hợp với tình hình; tích cực, chủ động, phản ứng chính sách kịp thời; các bộ, ngành phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của mình.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn thay vì thận trọng, đồng thời cần linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn. Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò nòng cốt của các ngân hàng thương mại nhà nước; bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Chính sách tài khóa cần tập trung có trọng điểm: mở rộng, thu đúng thu đủ kịp thời; cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới như kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế.

Đồng thời là nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; chủ động có phương án khi các nước áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập việc chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.

"Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định việc tôn trọng quy luật thị trường, không chi tiền làm việc không thuộc trách nhiệm Nhà nước, nhưng Nhà nước có cơ chế giải quyết.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm qua; đồng thời tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý và những hành động thiết thực giúp Việt Nam phát triển, trên tin thần tin cậy, hiệu quả.

Nguyễn Khánh - Ninh An

Nguồn: Dân Trí
Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.