Trước đây cũng đã từng có nhiều nhiều cựu quan chức khi về hưu trở thành lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp.
Ngày 23/2, Hội đồng quản trị Vietbank đã có quyết định về việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank.
Theo đó, Hội đồng quản trị Vietbank đã thống nhất bầu ông Bùi Xuân Khu - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Thành viên Thường trực Hội đồng quản trị giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị để điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị thay thế ông Dương Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm.
Ông Bùi Xuân Khu là Cử nhân kinh tế Trường Đại học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh. Ông đã gắn bó với Vietbank từ năm 2011 với vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thành viên Thường trực Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng.
Tân Chủ tịch Vietbank - ông Bùi Xuân Khu
Trước khi tham gia Hội đồng quản trị Vietbank, ông Bùi Xuân Khu từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương và đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh (Tổng giám đốc Tổng Công ty dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Dầu khí Toàn Cầu…).
Thông tin từ ngân hàng này cho biết, việc thay đổi vị trí chủ tịch là nhằm phù hợp với tình hình hoạt động của Hội đồng quản trị Vietbank nói riêng và Vietbank nói chung trong giai đoạn mới cũng như trong điều kiện thị trường hiện nay chịu các tác động của dịch bệnh Covid-19.
Ông Dương Ngọc Hòa tốt nghiệp chuyên ngành hóa học - Trường Đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Ông đã gắn bó với Vietbank và điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị Vietbank từ những ngày đầu thành lập đến nay với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, có rất nhiều đóng góp đối với sự ra đời và phát triển của Vietbank trong suốt thời gian qua.
VietBank được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng với vị thế ban đầu là một ngân hàng nông thôn. Các cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Sau 5 lần tăng vốn, Vietbank hiện có vốn điều lệ 4.192 tỷ đồng.
Hồi giữa 2019, Vietbank đã đưa cổ phiếu VBB lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 403 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2019, chủ yếu do thu nhập lãi thuần sụt giảm mạnh.
Như vậy, ông Bùi Xuân Khu là cựu quan chức cấp cao tiếp theo làm chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần. Trước đó, cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm, ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá... sau khi về hưu cũng đã đầu quân làm lãnh đạo cao cấp của ngân hàng.
Có thể điểm qua như cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm là Chủ tịch Ngân hàng HDBank thời gian từ 12/6/2010 đến nay (của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo) và Chủ tịch Công ty sữa Vinamilk (VNM) thời gian từ tháng 7/2015 đến nay. Bên cạnh đó, bà Tâm là cố vấn cấp cao cho một số định chế tài chính nước ngoài.
Hay như ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ tịch Ngân hàng ACB từ 2008-2012. Ông Trần Xuân Giá cùng với nhiều cựu lãnh đạo cao cấp tại ACB như ông Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang… đã bị điều tra trong "vụ án bầu Kiên" tại ACB.
Ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các ngân hàng Ngân hàng Nhà nước cũng từng là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sacombank từ 2014 - 2017. Ông Dũng cũng là chủ tịch Công ty Chứng khoán ACB, rồi Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sacombank...
Trước đó, "ghế nóng" vị trí chủ tịch một số ngân hàng cũng có sự thay đổi đáng chú ý. Ông Lê Khắc Gia Bảo, nguyên chủ tịch HĐQT Kienlongbank, đã đề nghị xin được thôi nhiệm. HĐQT Kienlongbank đã bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức danh chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Cuối năm 2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã bổ nhiệm quyền tổng giám đốc người nước ngoài là ông Chen Yi-Chung (Jeremy Chen). Còn ông Hoàng Minh Hoàn, người tiền nhiệm của ông Chen Yi-Chung, giữ chức phó tổng giám đốc thường trực.
An Hạ