Hôm qua (1/4), tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, sau khi Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là trong việc triển khai các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới
Báo cáo Chính phủ tại cuộc họp này, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Đến ngày hôm nay, hoạt động ngân hàng đảm bảo thông suốt, tình hình thanh khoản của thị trường, tỷ giá diễn biến khá ổn định mặc dù thị trường quốc tế có rất nhiều biến động và đồng tiền của các nước, đặc biệt là các nước lân cận trong khu vực biến động rất mạnh.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành theo đúng kịch bản và phương án đề ra cho nên đã duy trì được diễn biến tỷ giá khá ổn định và thanh khoản thị trường ngoại tệ rất dồi dào, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được cung ứng đầy đủ.
Tại điểm cầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Chính phủ tình hình hoạt động của ngành ngân hàng.
"Đến ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước chưa phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn và can thiệp thị trường. Điều này cho thấy chúng ta khá thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Về hoạt động tín dụng, riêng trong tháng 3 đã có mức tăng dư nợ tín dụng khá tốt, chứng tỏ nền kinh tế có bước tiếp cận tín dụng tốt hơn và là diễn biến có tính tích cực hơn so với tháng 1, 2 trong hoạt động tín dụng ngân hàng.
Về thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai phòng chống dịch Covid-19, ngày 31/3, Ngân hànhg Nhà nước đã ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai mạnh mẽ chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Thống đốc tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ.
Đây là biện pháp quan trọng nhất để tạo dòng tiền và thanh khoản cho khách hàng vay vốn (kể cả doanh nghiệp và cá nhân vay vốn đến kỳ hạn trả nợ phải trả nợ cả gốc và lãi chưa phải thanh toán).
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành, thực hiện điều tiết thị trường, thanh khoản hàng ngày linh hoạt. Thống đốc cho biết, đây là cơ sở rất quan trọng để các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định và tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tiết giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lương, thưởng và trong năm nay không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung mọi nguồn lực cần thiết để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay.
Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo thêm: Ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước đã họp, 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đều đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. Điều này thể hiện trách nhiệm rất lớn của các tổ chức tín dụng đối với khó khăn của doanh nghiệp, khách hàng và người vay vốn.
Để góp phần khắc phục khó khăn của nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Bảo đảm hoạt động ngân hàng thông suốt và an toàn
Về hoạt động ngân hàng, thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng và trong bất luận trường hợp nào cũng phải bảo đảm đầy đủ các hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, cho người dân và doanh nghiệp; các ngân hàng thương mại bố trí cán bộ làm việc phù hợp, tuyệt đối bảo đảm hoạt động ngân hàng thông suốt và an toàn.
Để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng tiếp tục hoạt động ổn định, cùng cả nước thực hiện việc phòng, chống đại dịch Covid-19, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị Bộ trưởng Tư pháp quan tâm chỉ đạo hoạt động của các phòng công chứng vì trong giao dịch ngân hàng, đặc biệt là giao dịch cho vay có liên quan trực tiếp tới việc xác nhận và làm các thủ tục ở các phòng công chứng nhưng hiện nay có một số địa phương chỉ đạo phòng công chứng tạm ngừng hoạt động.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước mong Bộ Tư pháp có chỉ đạo cụ thể để hoạt động tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và hộ vay vốn không gặp ách tắc. Cùng với đó, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh (do có phần lớn các trụ sở chính của các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn) cùng Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đảm bảo hoạt động thông suốt của các tổ chức tín dụng trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng cho người dân và cả nền kinh tế.
Trong việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về giãn thuế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng cũng thuộc đối tượng được thực hiện giãn thuế, giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì các tổ chức tín dụng vừa qua tham gia rất trách nhiệm, rất gương mẫu trong việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Vì vậy, cần được xem xét để giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo cho tổ chức tín dụng có dòng tiền, có thanh khoản để hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai nhanh việc cho vay hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
An Hạ