Hôm nay 22/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Theo yêu cầu của Thống đốc Lê Minh Hưng, các tổ chức tín dụng cần cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng không được hạ tiêu chuẩn cho vay vì tránh hệ luỵ lâu dài cho nền kinh tế. Thống đốc yêu cầu các ngân hàng chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này cũng như sau khi kết thúc dịch.
"Vừa qua, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc rất quyết liệt, hệ thống Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố cũng rất quyết liệt. Yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để đưa được những giải pháp chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đi vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời tất cả khó khăn vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp", Thống đốc cho biết.
Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị ngày 22/4.
Để kịp thời có biện pháp xử lý tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu: Toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay là đang hỗ trợ cho chính các tổ chức tín dụng, giúp hệ thống hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn. Hỗ trợ cho khách vay vốn, triển khai hỗ trợ đó là có tác dụng cả hệ thống ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn, trách nhiệm của chúng ta với hệ thống, nền kinh tế.
Ngay sau cuộc họp hôm nay, ngoài các ngân hàng thương mại Nhà nước, tất cả quy định phải được quán triệt, để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình làm việc với khách hàng, xử lý tháo gỡ các vấn đề. 4 ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ triển khai trong tuần này.
Đặc biệt, theo yêu cầu của Thống đốc, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này cũng như sau khi dịch kết thúc. Có kết quả kinh doanh thì phải sử dụng để tăng trích lập dự phòng. Trong đó, sử dụng tối đa việc giảm chi phí đó để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng công bố kết quả số liệu kinh doanh chỉ là số liệu tạm tính, chưa tính thuế, xử lý rủi ro nợ xấu… Khi công bố phải có giải thích rõ ràng để dư luận chia sẻ, nhà đầu tư, thị trường nắm rõ thông tin chứ không phải công bố thông tin thuần túy.
Phải xem xét chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án án khả thi; việc xem xét cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay. Tổ chức tín dụng phải coi là nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới.
"Phải tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng là để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng nhiều năm tới đây", Thống đốc nhấn mạnh.
Trong quá trình vừa rồi làm việc với các đơn vị, phải có cơ chế khuyến khích phù hợp để chi nhánh, phòng giao dịch, cán bộ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đặc biệt phải xử lý với giám đốc chi nhánh, nếu thiếu trách nhiệm gây khó khăn phiền hà, xử lý chậm thì phải xem xét xử lý.
Trong quá trình cơ cấu lại nợ, Thống đốc yêu cầu không chỉ khách hàng doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân, đề nghị các ngân hàng phải xem xét khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập cũng cần phải được quan tâm xem xét cơ cấu lại nợ, cả nợ gốc và nợ lãi.
Nguyễn Hiền