Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng, lập tức 25.000 tỷ đồng được bơm ròng

Mai Chi
Mai Chi

NHNN bơm ròng tương đối mạnh trong tuần vừa rồi trong bối cảnh thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng khi đến gần thời điểm cuối tháng, thêm vào đó là quy định áp trần lãi suất của NHNN.

Ảnh minh hoạ

Báo cáo trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện bơm ròng 24.997 tỷ đồng qua thị trường mở.

Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 12.999 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,25%) và lượng tín phiếu đáo hạn đạt 37.997 tỷ đồng. Trên kênh OMO, NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào.

Như vậy, hiện tại lượng tín phiếu đang lưu hành là 37.997 tỷ đồng và không có lượng OMO nào đang lưu hành. "NHNN bơm ròng tương đối mạnh trong tuần vừa rồi trong bối cảnh thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng khi đến gần thời điểm cuối tháng, thêm vào đó là quy định áp trần lãi suất của NHNN" - theo BVSC.

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần tăng mạnh ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng lần lượt 1,6%; 1,3% và 1,3% lên mức 3,25%/năm; 3,25% và 3,5%/năm.

Các chuyên gia BVSC cho rằng, rất có thể việc giảm trần lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng thêm 0,5% của NHNN, kéo theo động thái điều chỉnh giảm lãi suất đồng loạt tại các ngân hàng đã phần nào khiến thanh khoản hệ thống bị ảnh hưởng trong tuần.

Nhóm phân tích dự báo, lãi suất có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong tuần này do đây là thời điểm cuối tháng, các ngân hàng phải đảm bảo đủ nguồn nhằm đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

NHNN mới ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020. 

Đáng chú ý nhất là Thông tư trên quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn lần lượt như sau: từ 01/01/2020 đến 30/9/2020 là 40%; từ 01/10/2020 đến 30/9/2021 là 37%; từ 01/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và kể từ 01/10/2022 là 30%. 

BVSC cho rằng lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 30% trải dài trong 3 năm là dài hơn so với kỳ vọng ban đầu của thị trường (1-2 năm). 

Việc kéo giãn thời gian dài hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài tại các ngân hàng nhỏ vốn thường gặp khó khăn về thanh khoản. 

Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. 

Đối với các khoản phải đòi khác có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021. 

Như vậy, qua thông tư trên có thể thấy định hướng chung của NHNN vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống chứ không vì xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế mà phát triển tín dụng ồ ạt cho tất cả các lĩnh vực.

Cũng trong tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng nhẹ và tỷ giá tại NHTM lại giảm nhẹ. Tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng lên mức 23.151 VND/USD. Tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM giảm nhẹ 7 đồng, từ mức 23.203 VND/USD xuống mức 23.196 VND/USD. Tỷ giá vẫn đang trong giai đoạn tương đối ổn định, chênh lệch giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại NHTM thu hẹp chỉ còn 52 đồng.

Mai Chi