Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Thanh khoản có dấu hiệu căng, Ngân hàng Nhà nước “bơm ròng” hơn 66.000 tỷ đồng

Mai Chi
Mai Chi

Để hỗ trợ bơm tiền mạnh cho thị trường, NHNN đã chuyển sang phát hành trên kênh OMO 53.132 tỷ đồng sau một thời gian hơn 6 tuần không có hoạt động gì.

Một lượng vốn lớn đã kịp thời được NHNN "bơm" vào thị trường tuần vừa qua

Theo ghi nhận của BVSC, trong tuần vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện bơm ròng 66.131 tỷ đồng qua thị trường mở. Trên kênh tín phiếu, NHNN tuần qua không thực hiện phát hành mới lượng tín phiếu nào, trong khi đó có 12.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Để hỗ trợ bơm tiền mạnh cho thị trường, NHNN đã chuyển sang phát hành trên kênh OMO 53.132 tỷ đồng sau một thời gian hơn 6 tuần không có hoạt động gì.

NHNN thực hiện hoạt động bơm ròng tương đối mạnh trong tuần vừa qua khi thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trong tuần tăng mạnh ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng lần lượt 0,65%; 0,75% và 0,45% lên mức 3,9%/năm; 4%/năm và 3,95%/năm.

Thanh khoản hệ thống tiếp tục căng thẳng chủ yếu do hoạt động kết chuyển tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 58. Theo BVSC đánh giá, động thái này của NHNN có thể gây áp lực, khiến thanh khoản bị gián đoạn trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, NHNN cũng đã có sự hỗ trợ kịp thời khi liên tục bơm ròng vốn mạnh ra thị trường. Về dài hạn, việc rút lượng tiền gửi lớn này khỏi NHTM sẽ giúp việc điều tiết thanh khoản của hệ thống được chính xác hơn.

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của cả 3 nhóm ngân hàng trong tháng 11 đều giảm nhẹ. Tác động chính là từ quy định áp trần lãi suất tiền gửi của NHNN. Nhiều Ngân hàng lớn như BIDV, VCB đã giảm lãi suất cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

Ngày 1/12/2019, NHNN đã ban hành quyết định lãi suất đối với tiền gửi bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại NHNN. Theo đó, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc giảm 0,4% xuống 0,8%/năm.L ãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc là 0%/năm.

BVSC cho rằng việc giảm lãi suất trả cho các khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc và vượt dự trữ bắt buộc như trên của NHNN có hai mục đích chính. Thứ nhất là sẽ khuyến khích các ngân hàng đang có thanh khoản dư thừa, thường xuyên có tiền gửi vượt mức DTBB tại NHNN tăng cường hoạt động cho vay ra nền kinh tế thay vì để tiền ở NHNN để hưởng lãi suất.

Theo phân tích của chuyên gia BVSC, khi chi phí cơ hội của hoạt động cho vay giảm xuống do nhận được ít tiền lãi hơn từ NHNN, các NHTM có thể sẽ xem xét tăng cho vay nhiều hơn. Nhiều khả năng tình hình tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm còn cách khá xa mục tiêu 14% nên NHNN đang tăng cường các giải háp để thúc đẩy tín dụng.

Động thái này trên cũng “đồng pha” với một loạt chính sách tiền tệ mới gần đây liên quan đến giảm trần lãi suất huy động và cho vay các lĩnh vực ưu tiên, giảm lãi suất cho vay OMO, giảm lãi suất hát hành tín phiếu…

Nhìn rộng ra thế giới thì hiện nay, Nhật Bản và châu Âu là những khu vực đang áp mức lãi suất âm (lần lượt là -0,1% và -0,5%) cho các khoản tiền của NHTM gửi tại NHTW khi vượt một ngưỡng nhất định. Điều này đồng nghĩa các NHTM thậm chí phải trả một khoản phí cho NHTW thay vì được hưởng lãi.

Thứ hai, việc giảm lãi suất trả cho các khoản cũng giúp NHNN tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định trong quá trình điều hành chính sách. Tuy nhiên, BVSC cho biết, không đánh giá quá cao mục đích thứ hai này.

Mai Chi