Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Thách thức nào chờ đợi ngành ngân hàng trong năm 2020?

Mai Chi
Mai Chi

Trong năm 2019, ngành ngân hàng đã đạt nhiều thành quả đáng chú ý, trong đó, hoạt động xử lý nợ xấu có bước tiến lớn. Mặc dù vậy, hoạt động tái cơ cấu, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng sẽ gặp thách thức lớn trong năm 2020.

Tái cơ cấu tích cực song không hoàn toàn như kỳ vọng

Theo đánh giá của các chuyên gia MBS trong báo cáo phân tích vừa phát hành, hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có những kết quả tích cực trong năm vừa qua nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đảm bảo an toàn, ổn định của hệ thống.

 

Nợ xấu tồn đọng trong hệ thống NHTM trong giai đoạn 2012 trở về trước đã dần được xử lý. Kết quả của quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM thể hiện ở chỗ, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD giảm dần qua các năm hiện nay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-11%/năm đối với trung, dài hạn.

Dư nợ lĩnh vực phi sản xuất (nhất là cho vay bất động sản và chứng khoán) được kiểm soát và điều chỉnh về mức hợp lý (dưới 20%).

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD tính đến tháng 8 năm 2019 ở mức 1,98%. Lượng nợ xấu tại VAMC cũng giảm mạnh xuống mức trên 200 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 8/2019 giảm xuống còn 4,84% từ mức 5,58% của năm 2018. Hiện tại đã có 10 NHTM đã hoàn toàn tất toán hết nợ xấu tại VAMC.

Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu và cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra chậm và chưa đạt kỳ vọng đề ra.

Khác với kỳ vọng rằng năm 2018-2019 sẽ là giai đoạn bùng nổ các thương vụ thoái vốn Nhà nước, thực tế hoạt động này diễn ra khá trầm lắng.

Trong nửa đầu năm 2019, chỉ có 6 doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu và 30 doanh nghiệp đã được thoái vốn Nhà nước, con số khá khiêm tốn so với kế hoạch đặt ra là 128 doanh nghiệp. Trong năm 2019, cũng chưa có thương vụ IPO nào lớn và gây tiếng vang như thời điểm năm 2018.

Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ không nhiều

Về triển vọng năm 2020, MBS cho rằng, thị trường ngoại hối sẽ tương đối ổn định khi các NHTƯ trên thế giới duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và áp lực lạm phát tương đối thấp. NHNN có đủ dư địa để can thiệp, duy trì biên độ tăng tỷ giá VND/USD 1-2% nhờ lượng dự trữ ngoại hối dồi dào.

Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ dưới 14% và mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhẹ so với hiện nay nhờ lạm phát ổn định và áp lực tăng trưởng tín dụng không cao. Chính sách tài khóa mặc dù không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi nợ công và nghĩa vụ trả nợ ngân sách vẫn ở mức cao song sức ép lên kinh tế vĩ mô hiện tại là thấp với thâm hụt ngân sách đang được Chính phủ kiểm soát tốt.

Tỷ lệ nợ công/GDP được cho là vẫn duy trì ở mức an toàn và sẽ tiếp tục duy trì trạng thái trên nhờ tăng trưởng GDP cao. Nhu cầu huy động vốn trái phiếu trong năm 2020 dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2019 do nghĩa vụ trả nợ đến hạn trong năm 2020 khá cao tuy nhiên sẽ không khiến mặt bằng lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng nhiều nhờ nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và hệ thống NHTM khá cao.

Theo cáo cáo của Chính phủ, 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn năm 2019; 32,7% sẽ đến hạn trong giai đoạn 2019-2021. Ước tính, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn của Chính phủ năm 2019 là 193.000 tỷ đồng, năm 2020 là 242.000 tỷ đồng, năm 2021 là 274.000 tỷ đồng. Do đó, dư địa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của chính sách tài khóa khá thấp. Áp lực sẽ được đặt lên chính sách tiền tệ.

NHNN đã có một số động thái điều hành theo hướng nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng hợp lý khi có điều kiện thuận lợi vào cuối năm song vẫn ưu tiên ổn định cân đối vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống. MBS đánh giá dư địa của nới lỏng thêm nữa chính sách tiền tệ trong năm 2020 cũng không nhiều (trừ trường hợp áp lực lạm phát và tỷ giá giảm mạnh).

Mai Chi