Tân chủ tịch Eximbank là ai?
Mới đây, Eximbank thông báo miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT với bà Lương Thị Cẩm Tú từ ngày 28/6, sau đó bầu bà Đỗ Hà Phương làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
Tân Chủ tịch Eximbank sinh năm 1984, được giới thiệu là có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, là cử nhân kế toán tại Đại học George Mason (Mỹ), Thạc sỹ tài chính quốc tế tại Đại học Westminster (Anh).
Bà Đỗ Hà Phương đắc cử vào HĐQT Eximbank vào tháng 2/2022, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ 2 của ngân hàng này. Bà Phương được đề cử bởi 7 cá nhân và 4 tổ chức gồm: Công ty cổ phần Rồng Ngọc, Công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt, Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty TNHH M8.
Giai đoạn từ tháng 5/2007 đến tháng 11/2011, bà Phương lần lượt đảm nhiệm các vị trí tư vấn thuế, kiểm toán và tư vấn tài chính cao cấp tại Ernst & Young. Sau đó, bà làm cố vấn tài chính cho văn phòng đại diện Coffey International Development tại Hà Nội.
Bà Đỗ Hà Phương là tân Chủ tịch HĐQT Eximbank (Ảnh: EIB). |
Tháng 12/2012, bà Phương được bổ nhiệm làm Giám đốc cấu trúc tài chính, cơ cấu nợ và nhận diện rủi ro tín dụng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và giữ chức vụ này tới tháng 12/2017.
Rời VIB, bà Phương chuyển sang làm cố vấn tài chính cho Công ty TNHH Tài chính Lotus. Tới tháng 5/2018, bà đồng sáng lập Công ty TNHH VNInvest Partners và kiêm nhiệm chức giám đốc điều hành tại đây.
Eximbank và những lần đổi ghế chủ tịch
Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank thực tế đã diễn ra nhiều năm và chưa ngã ngũ, với nhiều lần đổi vị trí chủ tịch, thậm chí có những lần diễn ra trong chốc lát, xuất phát từ những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông.
Hay nhà băng này cũng nhiều lần không tổ chức thành công phiên họp đại hội đồng cổ đông với lý do không đủ điều kiện tiến hành họp hoặc nếu đủ điều kiện tiến hành họp thì chương trình không được thông qua.
Bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch cũ của Eximbank vừa bị miễn nhiệm - từng 2 lần giữ chiếc ghế này. Ở lần được bổ nhiệm đầu tiên hồi tháng 3/2019, quyết định chưa ráo mực đã vấp phải những tranh cãi khi ông Lê Minh Quốc - vốn là người tiền nhiệm - khởi kiện. Tòa án sau đó đề nghị ngừng thực hiện bổ nhiệm này.
Vị trí chủ tịch Eximbank tiếp tục đổi sang ông Cao Xuân Ninh cho tới ông Yasuhiro Saitoh - đại diện của cổ đông SMBC - lên nắm ghế. Và sau đó bà Lương Thị Cẩm Tú lần thứ 2 trở lại vị trí chủ tịch vào tháng 2/2022 - cũng là thời điểm tân Chủ tịch Đỗ Hà Phương đắc cử vào HĐQT.
Ngày 14/4, tại phiên họp cổ đông thường niên năm 2023, bà Lương Thị Cẩm Tú nói với các cổ đông nhiệm kỳ này đã tái cấu trúc mạnh mẽ, xử lý nhân sự, nâng cao hình ảnh và tái cơ cấu toàn bộ các mảng. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, bà Tú đã không còn giữ ghế cao nhất tại Eximbank.
Chân dung cựu Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú (Ảnh: EIB). |
Gắn với biến động chủ tịch, năm ngoái, nhà băng này ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn, mỗi lần vài chục triệu cho tới cả trăm triệu cổ phần.
Eximbank cũng chứng kiến sự thoái lui của nhóm Thành Công (TC Group), SMBC và sự xuất hiện của "tay chơi" mới là Bamboo Capital.
Tuy nhiên, từ tháng 4, ngay trước thềm cuộc họp cổ đông thường niên năm 2023, ông Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1978) - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bamboo Capital - đã từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT.
Ông Hùng trước được đề cử bởi nhóm cổ đông gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, Công ty cổ phần Thắng Phương, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch Helios.
Trong đó, ông Nguyễn Hồ Nam là Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital còn bà Lê Thị Mai Loan từng là nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp này. Bà giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó chủ tịch thường trực tại Tracodi và BCG Land - 2 trong 4 công ty thành viên trụ cột của tập đoàn.
Bà Loan hiện vẫn là Thành viên HĐQT Eximbank, bên cạnh bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.
Thảo Thu
Theo Dân trí