Tại phiên họp ngày 21/9, Bộ tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề trong việc giới thiệu Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP trong việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường quốc tế. Nhưng với những sửa đổi của Bộ tài chính mới nhất đây sẽ ảnh hưởng như nào đến thị trường nói chung và các nhà đầu tư nói riêng.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn nhưng sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh các rủi ro mới. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VMBA), Tổng khối lượng phát hành trái phiếu trong quý II/2022 đạt 106.735 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành riêng lẻ chiếm 99,72%, và chỉ có duy nhất một đợt phát hành ra công chúng với giá trị 300 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,28%. Hầu hết các đợt phát hành được thực hiện trong tháng 6 với 40.446 tỷ đồng, tương đương 37,9% tổng khối lượng phát hành trong quý II.
Tỷ trọng phát hành riêng lẻ và công chúng - VMBA 2022
Trong quý II, tổng khối lượng phát hành giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do lượng phát hành nhóm bất động sản giảm mạnh (giảm 83,4%).
Nhóm ngân hàng dẫn đầu về khối lượng phát hành, tổng giá trị ở mức 78.039 tỷ đồng, tăng 5% so với quý II/2021. Các ngân hàng thương mại vẫn tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Đây cũng là chỉ tiêu để được cấp hạn mức tín dụng và đảm bảo sớm hoàn thành các chỉ tiêu Basel II, III.
Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành là 10.533 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô giảm nhiều một phần do bất động sản đã không còn “sốt giá” như giai đoạn 2021 mà giá có dấu hiệu chững lại trong quý II 2022.
(Tỷ trọng phát hành theo nhóm ngành - VMBA 2022)
Nhu cầu phát hành
Trong nhiều quy định mới, Nghị định mới được các Doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn trong việc khai thông dòng vốn và phát triển một thị trường TPDN minh mạch và bền vững.
Có thể thấy khi được giải toả về nhu cầu phát hành, khối lượng phát hành so với quý II/2022 sẽ được dự kiến gia tăng trở lại. Mặc dù trong chính sách duy trì room tín dụng do Ngân hàng Nhà nước nhưng theo đánh giá của báo cáo FiinRatings, vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng.
Vì vậy trong thời gian tới nghị định 65/2022 chắc chắn sẽ những tác động trực tiếp trong việc tạo cú hích thúc đẩy đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi hoạt động này được đánh giá rất yếu trong thời gian qua.
Minh bạch thông tin, hồ sơ và phương thức chào bán chặt chẽ
Với nghị định mới được ban hành, dễ dàng nhận ra rằng Bộ tài chính vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó. Nguyên nhân các tồn tại hạn chế là do việc thực thi chính sách, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao. Trong báo cáo của Bộ Tài chính tháng 7 vừa qua tính tới thời điểm này khối lượng trái phiếu đáo hạn (1-3 năm) đang rơi vào khoảng hơn 144.500 tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng ngành bất động sản đã chiếm 43,2% tổng giá trị đáo hạn.
Giá trị phát hành theo kỳ hạn - năm VMBA 2022
Bên cạnh đó những khó khăn trong việc xoay sở dòng tiền để trả nợ gốc cộng lãi trái phiếu do sự thu hẹp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ quý I 2022 cùng sự kiểm soát dòng tiền chảy vào các công ty con theo thông tư 16 và 39 tiếp theo là nghị định 65, có thể thấy rằng sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cùng lãi vay cho nhiều doanh nghiệp trên thị trường trong bối cảnh lạm phát, vật giá leo thang.
Với sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP sẽ phần nào củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các nguồn vốn khác để đáo nợ doanh nghiệp, đặc biệt với các công ty bất động sản có vốn sở hữu nhiều công ty con.
Như vậy những sự sửa đổi cần thiết của Bộ Tài chính đưa ra sẽ thúc đẩy lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp kể từ sau quý II cùng sự kiện từ tập đoàn Tân Hoàng Minh. Với các quy định về hồ sơ chào bán cùng tăng tính chuyên nghiệp trong việc phát hành sẽ giúp quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng trở lại trong nửa cuối 2022. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia sẽ phải mất một thời gian để các doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu về vốn.
Tùng Nguyễn - Khánh Linh