Thu từ bán chéo bảo hiểm năm 2023 có thể giảm 30%
Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB, mã chứng khoán: VIB), Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết nửa đầu năm tăng trưởng thu nhập ngoài lãi tại VIB vẫn tích cực mặc dù tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ thấp.
Theo đó, thu nhập từ phí giảm 13,2% so với cùng kỳ, chủ yếu do phí dịch vụ thanh toán và doanh thu phí từ hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) đều sụt giảm.
Với việc giám sát chặt chẽ trong hoạt động bán bảo hiểm trong thời gian gần đây, doanh thu phí bancassurance giảm 54,6% đạt 182,3 tỷ đồng. SSI ước tính khoảng 250 tỷ đồng phí trả trước sẽ được ghi nhận trong nửa cuối năm 2023, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ để VIB cải thiện tỷ trọng thu nhập phí dịch vụ trong những tháng còn lại của năm, và số tiền còn lại sẽ được phân bổ trong vòng 12 năm, chia đều 300 tỷ đồng mỗi năm.
Mặc dù VIB có thêm 250 tỷ đồng phí trả trước từ việc tái ký hợp đồng bancassurance, nhưng đơn vị phân tích vẫn cho rằng việc các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ và người tiêu dùng thiếu niềm tin đối với bảo hiểm nhân thọ sẽ hạn chế doanh thu phí bảo hiểm. Do đó, phí bảo hiểm dự kiến sẽ giảm 30% so với cùng kỳ nếu không có lợi nhuận bất thường.
Chi tiêu qua thẻ đã phục hồi lên hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với quý trước trong quý II với 651 triệu thẻ (tăng 2% so với quý trước), tuy nhiên phí dịch vụ thanh toán vẫn giảm 4% do các hoạt động thương mại yếu. Mặt khác, lãi từ kinh doanh ngoại hối và thu hồi nợ xấu là yếu tố chính giúp thu nhập ngoài lãi tăng 5,8% so với cùng kỳ đạt 962 tỷ đồng.
Chuyên gia SSI kỳ vọng doanh thu từ thẻ sẽ tăng trong nửa cuối năm do tác động tích cực từ một chương trình giải trí do VIB tài trợ, kích thích chi tiêu thẻ và phí thẻ.
Tín dụng tăng trưởng chậm
Theo SSI Research, mặc dù tín dụng quý II phục hồi 2,2% so với quý trước, VIB vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 5 năm qua, chỉ tăng 0,8% so với đầu năm đạt 235.800 tỷ đồng.
Đặc biệt, tổng dư nợ cho vay mua nhà, giảm 0,2% so với quý trước đạt 108.700 tỷ đồng, khoản vay mua ô tô giảm 15% ở mức 37.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản cho vay kinh doanh và dư nợ thẻ tín dụng tăng lần lượt tăng 3,6% và hơn 50% so với quý trước, ở mức 36.300 tỷ đồng và 16.500 tỷ đồng.
Đơn vị phân tích cho rằng lãi suất cho vay cao và nhu cầu nhà ở sụt giảm mạnh là nguyên nhân khiến dư nợ cho vay mua nhà thu hẹp. Vào quý II, lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà là 9,9% (giảm 200 điểm cơ bản so với quý trước) trong 6 tháng và sau đó được thả nổi ở mức quanh 14% (giảm 150 điểm cơ bản so với quý trước).
Trong nửa cuối năm 2023, SSI cho rằng lãi suất cho vay mua nhà sẽ giảm hơn nữa để kích thích tăng trưởng tín dụng, nhưng điều này khá thách thức do thị trường bất động sản vẫn chưa cho nhiều chuyển biến tích cực.
SSI ước tính tăng trưởng tín dụng hết năm 2023 của VIB sẽ đạt 10% (giảm so với ước tính trước đó là 14,3%) do nhu cầu tiêu dùng và nhà ở yếu hơn dự kiến.
Nợ xấu sẽ được cải thiện trong quý IV
Chất lượng tài sản suy yếu với nợ xấu tăng 2,2% so với quý trước, đạt 8.500 tỷ đồng dù cho ngân hàng đã xử lý 650 tỷ đồng nợ xấu. Các khoản nợ nhóm 2 cũng tăng 21% so với quý trước, ở mức 15.100 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 3,6%. Tỷ lệ hình thành nợ xấu đã giảm xuống 0,36% trong quý II sau khi đạt đỉnh là 1,4% trong quý I. Tuy nhiên, SSI Research cũng cho rằng nợ xấu sẽ được cải thiện dần trong quý IV. Do đó, việc trích lập dự phòng là không thể tránh khỏi trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Mặt khác, dư nợ cho vay tín chấp (thẻ tín dụng) tăng vọt trong quý II có thể tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với ngân hàng. Tại thời điểm cuối quý II, dư nợ cơ cấu đạt tổng cộng là 640 tỷ đồng, tương đương 0,27% tổng tín dụng.
Trong đó các khoản cho vay liên quan đến Covid là 128 tỷ đồng, giảm 30,4% so với quý trước. Dư nợ tái cấu trúc, theo Thông tư 02 (Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn) là 513 tỷ đồng. Công ty chứng khoán này cho rằng dư nợ tái cấu trúc theo Thông tư 02 của VIB sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023.
Với chất lượng tài sản suy giảm nhanh hơn dự kiến, SSI cho rằng VIB sẽ áp dụng Thông tư 02 để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% trong nửa cuối năm, đồng thời gánh nặng trích lập dự phòng dự kiến sẽ nặng nề hơn.