Fica
  1. Tài chính ngân hàng

SSI Research: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục duy trì thấp

Mai Chi
Mai Chi

Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.

Theo ghi nhận của SSI Research, trong tuần qua, thanh khoản hệ thống được hỗ trợ bởi lượng VND cung ứng từ nguồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn trong tuần trước, trong khi đó kênh mua ngoại tệ giao ngay tạm thời không được sử dụng. Các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới, nhờ vậy lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp.

Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 0,64% và kỳ hạn 1 tuần là 0,74%, giảm 1-2 điểm cơ bản so với tuần trước. Theo chuyên gia SSI Research, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đi ngang và duy trì ở mức thấp trong suốt 3 tháng qua, phản ánh thanh khoản dồi dào nhờ lượng tiền Đồng được bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ.

Lãi suất dự kiến sẽ vẫn thấp.

NHNN trong tuần qua đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều NHTM đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13%. NHNN cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong thông tư 08/2020-NHNN.

Mặc dù tỷ lệ này hiện tại không còn đáng lo ngại khi hầu hết NHTM đều đáp ứng mức yêu cầu của NHNN, việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung-dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cao tốc Bắc-Nam.

SSI Research cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.

Trên thị trường ngoại hối, thị trường tài chính toàn cầu đã gặp nhiều xáo trộn trong phiên giao dịch thứ 6, sau sự xuất hiện thông tin của biến thể Covid mới Omicron. Giá các tài sản rủi ro đều điều chỉnh trong phiên thứ 6, trong đó giá dầu thô Brent có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 – giảm tới 11,5% trong phiên.

Dòng tiền chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng tăng 1,4% so với phiên thứ 5 hay LSTPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm tới 16 điểm cơ bản.

Về các thông tin kinh tế trong tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp CSTT đầu tháng 11, trong đó cho thấy triển vọng kinh tế nước Mỹ yếu hơn dự báo trong biên bản tháng 9.

Ngoài ra, các thành viên đồng ý bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản mỗi tháng từ 80 tỷ USD TPCP và 40 tỷ chứng khoán có đảm bảo (CKCĐB) xuống lần lượt 70 tỷ USD TPCP và 35 tỷ USD CKCĐB kể từ sau cuộc họp, và từ giữa tháng 12 sẽ bắt đầu giảm xuống còn lần lượt 60 tỷ USD TPCP và 30 tỷ CKCĐB.

Đồng USD có xu hướng tăng xuyên suốt tuần, trước khi giảm trong phiên giao dịch thứ 6. Kết tuần, chỉ số DXY đi ngang so với cuối tuần trước. Các đồng tiền trú ẩn tăng giá như JPY tăng trong khi các đồng tiền mới nổi đều giảm tương đối mạnh, RUB -2,9%, THB -2,6%,…

Mai Chi

Tại Việt Nam, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ 25đ so với tỷ giá mua trên Sở GD của NHNN, ở 22,674 đồng/USD. Diễn biến tương tự cũng được thấy ở tỷ giá niêm yết ở các NHTM, kết tuần giao dịch ở mức 22.545/22.775, tăng 20 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do kết tuần ở 23.400/23.430 – tăng 30 đồng cho chiều mua vào và 60 đồng cho chiều bán ra. Số liệu giải ngân FDI trong trong tháng 11 cho tín hiệu khả quan, khi đạt 1,95 tỷ USD – mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Tính chung 11 tháng, giải ngân FDI đạt 17,1 tỷ USD, giảm -0,6% so với cùng kỳ - cải thiện từ mức giảm 4,1% trong 10 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới cũng dự báo kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 18,1 tỷ USD, và giúp nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong tháng 12. Tỷ giá USDVND nhờ đó duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm nhẹ.

Mai Chi