Lãi suất huy động và cho vay trong ngắn hạn khó giảm |
Biến động thị trường tiền tệ trong mùa dịch Covid-19
Theo đánh giá của SSI Research, thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc vốn được coi là sự kiện đáng trông đợi nhất trong tháng 1 và đã có thể kéo dài tâm lý tích cực của tháng 12/2019 nếu như không bị xen vào bởi 2 sự kiện lớn.
Một là mâu thuẫn Mỹ - Iran bất ngờ bùng phát và hai là đại dịch Covid-19. Tâm lý giới đầu tư trồi sụt liên tục và được thể hiện rõ nhất qua biến động của đồng tiền trú ẩn là JPY. Đồng tiền này tạo đáy vào giữa tháng 1 trong khi tạo đỉnh vào đầu và cuối tháng, khoảng cách giữa đỉnh và đáy lên tới 1,92%.
Vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá mạnh trong khi giá dầu giảm sâu. Đường cong lợi tức đảo ngược, lợi tức kỳ hạn 3 tháng đã cao hơn các kỳ hạn 10 năm trở xuống.
Vị thế trọng yếu của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến tổng thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 có thể lớn hơn nhiều so với mức 40 tỷ USD của SARS năm 2003. Dịch bệnh là biến cố lớn và bất ngờ, khiến các sự kiện khác như căng thẳng Mỹ-Iran, thỏa thuận Mỹ -Trung ngày 15/1, Brexit vào 31/1, phiên họp tháng 1 của FED... trở lên mờ nhạt. Thị trường tài chính 2020 trở nên khó lường và kém tích cực hơn nhiều so với các dự báo đưa ra tại thời điểm cuối năm 2019.
Đây cũng là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế vốn đang có nhiều bất ổn của Trung Quốc. Các chính sách nới lỏng của PBoC sẽ tiếp tục được mở rộng với tốc độ mạnh hơn so với 18 tháng qua để vực lại nền kinh tế.
Thực tế, trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2, PBoC đã liên tục bơm mạnh tiền trên thị trường mở và hạ lãi suất mua kỳ hạn 10 điểm phần trăm. Đồng CNY trong cả tháng 1 hồi phục về mức dưới 7,0 nhưng áp lực giảm giá của CNY trong thời gian tới vẫn ở mức cao.
Chỉ số DXY quay trở về vùng 98, ngoại trừ JPY và CHF, hầu hết các đồng tiền giảm giá so với USD trong tháng 1 trong đó mạnh nhất là THB. Đồng tiền này đã tăng giá tới 8% trong năm 2019 – là mức tăng giá mạnh nhất tại khu vực Châu Á và đứng thứ 2 toàn cầu (sau Nga).
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã tuyên bố sẽ có biện pháp để kiềm chế đà tăng của THB, cộng hưởng vào đó là dịch bệnh khiến ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch của Thái Lan thiệt hại nặng nề. Đồng THB đã quay đầu giảm giá tới 4,94% chỉ trong tháng 1.
Trong nhóm 3 đồng tiền giảm giá mạnh nhất tháng 1 còn có KWR (giảm 3,46% so với đầu năm) và RUB (giảm 3,25%) cũng do ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến giao thương gián đoạn và giá dầu giảm.
Dịch bệnh vẫn là tâm điểm tác động lên thị trường
Theo SSI, ở thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn là tâm điểm tác động lên thị trường quốc tế. Các yếu tố tích cực như chỉ số kinh tế Mỹ, nới lỏng của các NHTW hay sự cải thiện quan hệ Mỹ - Trung có thể có những tác động nhất định nhưng khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, rủi ro biến động trên thị trường tài chính vẫn còn rất cao.
Trong cả tháng 1, tỷ giá USD/VND gần như đi ngang quanh mức chốt năm 2019, nguồn cung ngoại tệ hết sức dồi dào và NHNN vẫn liên tục mua vào ngoại tệ trong những tuần trước tết. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, chịu áp lực từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND bật tăng trên cả ngân hàng và tự do.
Chốt tháng, tỷ giá giao dịch trên ngân hàng là 23.100/23.270- tăng 20 và 40 VND/USD; tỷ giá tự do là 23.200/23.300 – tăng 30 và 120 VND/USD so với cuối năm 2019.
Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng thêm 39 VND/USD, lên mức đỉnh mới là 23.196 VND/USD trong khi tỷ giá mua vào của NHNN vẫn được giữ nguyên ở mức 23.175 VND/USD.
Theo SSI, chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra nới rộng, hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cho thấy tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá đang gia tăng.
Nhóm phân tích nhận định, thương mại và du lịch giảm sút có thể khiến nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như năm 2019. Tuy vậy với dự trữ ngoại hối đã tích lũy được trong các năm qua, bộ đệm để ứng phó với các biến động tỷ giá là khá vững.
Tỷ giá giao dịch trên ngân hàng dự báo sẽ có biến động nhưng mức tăng không nhiều, xoay quanh mức 23.175 VND/USD – là tỷ giá mua vào của NHNN và vẫn cách khá xa đỉnh ghi nhận trong 2019, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh.
Trong nửa đầu tháng, thị trường mở không phát sinh giao dịch, tiền đồng vẫn liên tục được bơm ra qua giao dịch mua ngoại tệ của NHNN. Thanh khoản trên liên ngân hàng ở mức cao và lãi suất VND giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 1%/năm với kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp liên tục và chuyển sang âm.
Trong 5 ngày giao dịch trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, NHNN đã trở lại hút ròng 25.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Cùng với nhu cầu tiền đồng cao trong giai đoạn cao điểm, lãi suất VND đã quay đầu tăng, lên mức 3,08%/năm (tương ứng 126 điểm phần trăm theo tháng) với kỳ hạn qua đêm và 3,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD khôi phục về mức 1,45%/năm.
So với năm 2019, việc bơm tiền đồng thông qua giao dịch mua ngoại tệ sẽ có phần hạn chế hơn do nguồn cung ngoại tệ khó tăng. Dòng tiền Kho bạc Nhà nước cũng có thể thu hẹp khi tốc độ giải ngân đầu tư công 2020 tăng tốc.
Thông qua công cụ tài khóa này, lượng tiền trong lưu thông cũng sẽ tăng lên và gia tăng nguồn huy động cho các NHTM, từ đó lại hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất theo định hướng đề ra. Tuy vậy, đó là trong kịch bản tích cực.
Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Trong cuộc họp với 21 NHTM ngày 6/2/2020, đại diện NHNN đã yêu cầu các NHTM không được tăng lãi suất cũng như có các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay để giảm thiểu thiệt hại với nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19.
Tóm lại, theo SSI, dịch bệnh này có thế khiến lãi suất huy động và cho vay khó giảm hơn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãi suất vẫn có khả năng giảm, rõ nhất là ở nửa cuối năm khi dịch bệnh lắng xuống và giải ngân đầu tư công có kết quả tốt.
Mai Chi